Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh tập trung vào các vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm. Sau giám sát đã đề nghị với các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những bất cập, tồn tại, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Gói thầu thi công Nhà số 1 Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã đạt khoảng 92% khối lượng công trình. |
Linh hoạt hình thức giám sát
Hoạt động giám sát thường xuyên của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, nền nếp và đạt hiệu quả cao. Ngoài việc thẩm tra báo cáo của UBND và các ngành để phục vụ kỳ họp, giám sát thông qua hoạt động thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều phiên làm việc để nghe và cho ý kiến về kết quả công tác của các ngành trong 6 tháng và cả năm; thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân để nắm bắt thông tin, hoạt động, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn của các ngành, địa phương, kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế hoặc đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nét mới trong hoạt động giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh là đã chú trọng nâng cao chất lượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, thực hiện quyền, trách nhiệm của mình đối với lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm làm rõ những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và giải pháp khắc phục. Trước phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã giao các Ban của HĐND tỉnh lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành chuẩn bị nội dung giải trình; đồng thời tiến hành giám sát, khảo sát tại một số địa phương, đơn vị liên quan và thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu HĐND tỉnh, các buổi tiếp công dân, qua đó giúp Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại các phiên giải trình đảm bảo thiết thực, chất lượng, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra.
Đơn cử như tháng 4-2023, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình đối với các nội dung thuộc lĩnh vực đất đai và tài chính. Sau khi nghe Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính giải trình và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, ý kiến tham gia giải trình của các sở, ngành và các cơ quan liên quan, ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh kết luận đối với từng nội dung đã giải trình. Sau phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kết luận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện 13 nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai và tài chính như: thủ tục hành chính về đất đai sau sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nằm trong cùng thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng trong phạm vi quy hoạch cũ nay đã được điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch trên địa bàn thành phố Nam Định; việc triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về đất đai và đảm bảo quyền lợi của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai sau sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố và tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Qua đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh về đất đai, tài chính trong giai đoạn tiếp theo.
Chọn nội dung trọng tâm giám sát chuyên đề
Cuộc giám sát chuyên đề “Việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay” được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quá trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp làm việc với 45 cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp và công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án đầu tư các cụm công nghiệp còn chậm; quy mô một số cụm công nghiệp làng nghề nhỏ; một số dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần; việc hoàn thiện các thủ tục và đầu tư hạng mục kết nối hạ tầng giao thông trong khu vực với hạ tầng một số cụm công nghiệp còn chậm; việc khảo sát đánh giá ban đầu về nhu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp của một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chưa đầy đủ nên trong quá trình thực hiện phải lập thủ tục để điều chỉnh ngành nghề thu hút đầu tư, quy hoạch mặt bằng chi tiết, đánh giá tác động môi trường; chưa thực hiện phân cấp và ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp và đơn vị liên quan trong việc quản lý Nhà nước đối với cụm công nghiệp. Đồng thời kiến nghị đối với UBND tỉnh; Ban quản lý các Khu công nghiệp; Sở Công Thương; UBND các huyện; chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp quan tâm thực hiện 17 nội dung liên quan nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các kiến nghị đã được các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc thực hiện, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Cùng với chuyên đề trên, một loạt các vấn đề nổi cộm được dư luận và cử tri quan tâm như: Công tác bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới biển; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh; chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh… cũng được Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh lựa chọn giám sát chuyên đề. Qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện và kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần phải có các giải pháp kịp thời khắc phục.
Đồng chí Bùi Trung Kiên, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết: Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh được thực hiện chủ động, tích cực, ngày càng đổi mới. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời sự, có trọng tâm, trọng điểm, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của phần đông cử tri, nhân dân. Phương thức tiến hành giám sát đã có những cải tiến, kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại địa phương, đơn vị, tìm hiểu khai thác thông tin phục vụ yêu cầu giám sát qua nhiều kênh khác nhau, từ đó thu thập nhiều thông tin có tính thời sự, phục vụ hoạt động giám sát; trước khi kết thúc đợt giám sát, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ những vấn đề chưa được sáng tỏ, nguyên nhân, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Sau giám sát, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề đã giúp HĐND tỉnh đưa ra những quyết định quan trọng về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh; giúp các sở, ngành, địa phương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo điều hành; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh chủ trì tổ chức 18 cuộc giám sát chuyên đề; giám sát việc ban hành 201 Quyết định của UBND tỉnh và 545 Nghị quyết của HĐND các huyện, thành phố. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã góp phần đưa các chính sách của HĐND tỉnh vào cuộc sống, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn./.
Bài: Văn Trọng
Ảnh: Thành Trung