Theo số liệu của Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) – Bộ TN và MT, Nam Định là một trong những tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình chịu ảnh hưởng khá nhiều của quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất. Qua các kết quả quan trắc trong những năm gần đây cho thấy, hàm lượng TDS (chất rắn hoà tan được trong nước) tại vùng nước mặn ở huyện Hải Hậu vẫn có xu hướng tăng theo thời gian, với tốc độ tăng 458,33mg/l/năm. Ngoài ra, mực nước sông và nước biển dâng cao kết hợp triều cường dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ở địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp hơn.
Nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi tại những vùng đất canh tác bị nhiễm mặn là nhiệm vụ ưu tiên trong phòng, chống xâm nhập mặn. |
Năm 2022, dưới tác động ảnh hưởng đồng thời của dòng chảy kiệt, điều tiết mực nước thượng lưu, yếu tố địa hình, chế độ thủy triều và biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho ranh giới xâm nhập mặn vùng ven biển của tỉnh ngày một tiến sâu hơn. Vùng cửa sông ven biển do có hệ thống đê khống chế nên đối với khu vực này mặn không xâm nhập vào trong nội đồng nhưng làm ngưng trệ quá trình lấy nước tưới từ sông, phục vụ cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 111.194,08ha đất nông nghiệp. Tình trạng hạn hán kéo dài do ảnh hưởng của BĐKH kết hợp với triều cường trong vụ đông xuân đã làm nhiều diện tích đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn với độ mặn mức trung bình là 0,7-30/00, đặc biệt có năm lên đến 80/00.
Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của xâm nhập mặn, nước biển dâng và phù hợp với thực tế, tỉnh đã xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng của tỉnh theo 3 giai đoạn, gồm giai đoạn 2016-2035, giai đoạn 2046-2065 và giai đoạn 2080-2099 so với thời kỳ cơ sở giai đoạn 1986-2005 với các kịch bản nồng độ khí nhà kính thấp, trung bình và cao. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó BĐKH đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 kèm theo danh mục các dự án ưu tiên ứng phó BĐKH, tạo cơ sở cho các huyện, thành phố, các ngành, lĩnh vực tham mưu, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với kịch bản BĐKH, trong đó có yếu tố nước biển dâng. Tỉnh đã chỉ đạo khi tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội phải tính toán đến các yếu tố BĐKH và nước biển dâng; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Theo đó, các đơn vị có liên quan và các địa phương, đặc biệt là các huyện ven biển xây dựng kế hoạch, chủ động phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ ảnh hưởng của nước biển dâng, xâm nhập mặn đến sản xuất, đời sống của nhân dân và quốc phòng, an ninh; chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phương án di dân tại vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn.
Đáng chú ý, trên tuyến đê biển của tỉnh dài 91km, phần lớn bờ biển thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng. Có trên 50km đê đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha, có khoảng 76,6km đê trực diện với biển, phía trong đồng là thùng đào, đê thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Vì vậy, tỉnh đặc biệt quan tâm bảo vệ, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ phục hồi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Đến nay, tỉnh đã nâng cấp được 64,7/76,6km đê trực diện với biển; xây mới 8 cống qua đê, 80 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê và đang củng cố, nâng cấp đê Cồn Xanh dài 7,87km. Công tác triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đê sông; nạo vét hệ thống kênh mương; củng cố nâng cấp hệ thống trạm bơm đảm bảo tưới tiêu cũng được thực hiện hiệu quả, kịp thời, phù hợp với thực tế tại các địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương tích cực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây phân tán. Nhờ đó, đã bảo vệ tốt 3.092,37ha rừng trồng đã thành rừng và chăm sóc, quản lý tốt sinh trưởng cho 70,15ha rừng trồng chưa thành rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,83%, góp phần hạn chế tác động của BĐKH, nước biển dâng; chắn sóng, cát gây bồi lấn, bảo vệ bờ biển, đê biển, phòng chống thiên tai; tăng cường đảm bảo an toàn trong đời sống và sản xuất cho nhân dân ven biển.
Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác này cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc phân bổ các nguồn lực của các ngành, các địa phương chưa hợp lý, còn phân tán, chưa ưu tiên cho những nơi chịu tác động lớn của nước biển dâng.
Thời gian tới, để đạt hiệu quả cao hơn trong phòng, chống xâm nhập mặn, nước biển dâng, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nâng cấp toàn bộ tuyến đê, kè biển, trước hết ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp những đoạn đê, kè xung yếu và một số đoạn đê sông có nguy cơ sạt lở cao do sóng, thuỷ triều, bão. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, nhất là cho những vùng đất canh tác bị ảnh hưởng nhiễm mặn ven biển và những vùng tưới tiêu bằng động lực. Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có, hệ sinh thái vùng đất ngập nước, ưu tiên nhất là khu hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan triển khai xác định đường mép biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm qua phục vụ công tác giao khu vực biển và cấp giấy phép nhận chìm ở biển; xây dựng trạm quan trắc tổng hợp biển và cảnh báo thiên tai, rủi ro thuộc vùng biển và đới biển trên địa bàn các tỉnh ven biển; hỗ trợ tỉnh khảo sát, lập bản đồ kỹ thuật số ảnh hưởng của nước biển dâng, xâm nhập mặn theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng Bộ TN và MT đã công bố./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy