Năm 2023 là năm thứ 11, Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, trong đó hoạt động trọng tâm là bình chọn và tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc. Tỉnh Nam Định có 2 trong tổng số 100 nông dân của cả nước được nhận danh hiệu này.
Mô hình nuôi trồng nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm của ông Nguyễn Văn Thành, xã Hải Chính (Hải Hậu). |
Ông Nguyễn Văn Thành ở xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) nhiều năm qua đã thành công với mô hình nuôi trồng nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm. Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Linh Phát do ông Thành làm Chủ tịch HĐQT được thành lập năm 2014 theo Luật HTX năm 2012 với 8 thành viên. Ngành nghề sản xuất chính là nuôi trồng và sản xuất các loại nấm, trong đó sản phẩm chủ lực là nấm linh chi, ngoài ra còn có nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm. HTX được tổ chức trên cơ sở liên kết các cá nhân, hộ gia đình, trên nguyên tắc tự nguyện và cùng hưởng lợi; xây dựng kết cấu hạ tầng chung phục vụ sản xuất của thành viên, sử dụng vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên; hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình và người nông dân trong các công đoạn lựa chọn giống nấm, phôi giống nấm, thu hoạch và bảo quản nông sản; đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết với nhà sản xuất, cung cấp vật tư, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, ông Thành đã thống nhất với các thành viên HTX áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Ông Thành cho biết: Quá trình trồng các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn, trong đó quy trình chọn giống phải phù hợp với thời tiết, nguồn nước tưới vùng khí hậu ven biển. Giống nấm tuyển chọn được chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). HTX đã áp dụng quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng, sản xuất nấm sạch khép kín với nguyên liệu hữu cơ tự nhiên như mùn cưa, rơm rạ. Toàn bộ dây chuyền hệ thống sản xuất nấm sạch được đồng bộ từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm. Trong quá trình chăm sóc nấm phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó xây dựng thương hiệu của HTX Dịch vụ Linh Phát. Trong những năm qua, HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm Rượu linh chi, Nấm linh chi, Nấm bào ngư Linh Phát. HTX đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của HTX được xây dựng quy củ, phát triển bền vững nên đã thu hút nhiều hộ nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm. Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Thành cho biết, HTX sẽ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hướng tới đẩy mạnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch đến tất cả các đội sản xuất; cùng với đó tích cực tìm hiểu thị trường, tiến tới đa dạng hóa các sản phẩm làm từ nấm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đại Dương, xóm Điện Biên Tây, xã Giao An (Giao Thuỷ) sinh ra, lớn lên tại xã ven biển, ngành nghề sản xuất chính là trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nhỏ lẻ. Với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, ông đã nghiên cứu, tìm hiểu một số nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình và thực tiễn của địa phương. Qua một thời gian học hỏi các tài liệu trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình ao đầm nuôi để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cũng như qua những lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp HND tổ chức, ông đã quyết định đầu tư phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Từ năm 2011, ông nuôi tôm, vạng với quy mô nhỏ, thấy có hiệu quả nên đã mở rộng quy mô ao, đầm nuôi. Đến nay, tổng diện tích ao, đầm nuôi khoảng 25ha, mỗi năm thu hoạch và cung ứng ra thị trường 15 đến 20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng; năm 2022 thu lợi nhuận 2,5 tỷ đồng. Để có thành quả như ngày hôm nay, ông đã khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu, tìm tòi, mạnh dạn thay đổi cách thức làm ăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tìm hiểu phương thức nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với môi trường địa phương cũng như điều kiện của gia đình. Nhờ đó đã tạo ra môi trường ao nuôi ổn định, giúp thủy sản nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa những tác động bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, lại có thể tăng mùa vụ nuôi trồng thủy sản trong năm… Ông Dương cho biết, trong quá trình sản xuất tuyệt đối tuân thủ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, nhất là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Không chỉ nỗ lực vượt khó làm giàu, ông còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các cấp Hội phát động, như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hàng năm, ông đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho trên 20 lượt hộ trong và ngoài xã; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng và thu hút nhiều lao động thời vụ tại địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, ông đã ủng hộ lắp đặt đường điện chiếu sáng dài 600m với tổng giá trị 200 triệu đồng, ủng hộ xây dựng đường, cầu, cống ra đầm với số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn ủng hộ các quỹ từ thiện của địa phương, các cuộc vận động quyên góp giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn. Năm 2022, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tích cực tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, những điển hình nông dân như ông Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Đại Dương đã có đóng góp quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, của xã, xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng