Kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá là nội dung trọng tâm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là trung tâm để đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa, đài, tờ rơi, pa-nô,…) cho nhiều đối tượng, đảm bảo mọi ngư dân, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghề cá trong cảng hiểu rõ quy định quản lý hoạt động nghề cá tại cảng cá, chống khai thác IUU, “Thẻ vàng” của EC để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời góp phần tuyên truyền đến nhiều đối tượng liên quan biết để thực hiện. Với vai trò và ý nghĩa đó của cảng cá trong công tác chống khai thác IUU, thời gian qua tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương quan tâm quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các cảng cá; chú trọng thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động bốc dỡ hải sản và kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng thuận lợi, đủ tiêu chuẩn.
Lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp với Ban quản lý Cảng cá Nam Định phát tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm các quy định khi khai thác thuỷ sản trên biển. |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào khai thác sử dụng; trong đó Cảng cá Ninh Cơ là cảng loại I được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công bố mở cảng và Cảng cá Thành Vui là cảng loại III. Cảng cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng) đang trong giai đoạn thi công. Để triển khai công tác chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị để tháo gỡ thẻ vàng của EC, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 67-IUU của tỉnh, Ban quản lý các cảng cá đã nghiêm túc tổ chức triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT và của tỉnh về chống khai thác IUU. Phối hợp với Chi cục Thuỷ sản, Thanh tra sở, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; đồng thời ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ trực 24/24 giờ hàng ngày để giám sát, tổng hợp thông tin, dữ liệu báo cáo theo quy định. Đồng chí Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nam Định cho biết: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban quản lý cảng đã kiểm tra gần 1.000 lượt tàu cập cảng, 1.001 lượt tàu rời cảng, thu 947 sổ nhật ký khai thác; Cảng cá Thành Vui kiểm tra 63 lượt tàu cập cảng, 63 lượt tàu rời cảng và thu 63 sổ nhật ký khai thác. Tổng số sản lượng thuỷ sản giám sát bốc dỡ qua 2 cảng cá đạt gần 1.144 tấn. Đã thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản”.
Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến các ngư dân Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các quy định về khai thác IUU. Cụ thể, đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát 800 tờ rơi tuyên truyền về “Khai thác hợp pháp, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững”; 500 quyển sổ tay về quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 220 quyển sổ tay đi biển cho ngư dân; hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU; hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (VMS) trước khi xuất bến, thường xuyên theo dõi thiết bị, nộp cước thuê bao để đảm bảo thiết bị hoạt động 24/24 giờ từ khi rời cảng đến khi cập cảng và quy định chủ tàu, ngư dân cần ghi nhớ trước khi ra khơi sản xuất hay cập bến. Đồng thời tham mưu với Chi cục Thuỷ sản và lực lượng chức năng của tỉnh kiên quyết không cấp giấy tờ thủ tục đối với những tàu cá không đảm bảo an toàn, không trang bị đủ trang thiết bị theo quy định như: không có tín hiệu kết nối thiết bị VMS, không sơn ca-bin tàu cá, khai thác không đúng nghề theo giấy phép, hồ sơ tàu thiếu thiết kế kỹ thuật được thẩm định. Tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển để xử lý các tàu cá vi phạm về sử dụng kích điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng… Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ liên ngành kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá.
Từ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng, nhất là lực lượng chuyên trách tại các cảng cá, đến nay toàn tỉnh đã đăng ký cho tất cả 1.225 tàu cá; thực hiện đánh dấu 1.215/1.225 tàu cá, đạt 99,2%. Đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 492/515 tàu cá. Căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ NN và PTNT công bố và hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng, vùng ven bờ do UBND tỉnh công bố, Chi cục Thủy sản đã cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho 1.161/1.225 tàu đạt 94,78% tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp phép; cập nhật dữ liệu thông tin 1.225/1.225 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên trên phần mềm Vnfishbase. Số tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS là 507/515 tàu cá, đạt tỷ lệ 97,5%, số tàu cá còn lại chưa lắp thiết bị VMS là tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu mới đăng ký hoặc đang liên hệ để mua và lắp đặt thiết bị VMS; đã lập danh sách cụ thể vị trí tàu cá neo đậu và giao cho địa phương quản lý đối với nhóm tàu này.
Thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá giữa Sở NN và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện có tàu khai thác thủy sản và Quyết định số 33/QĐ-CCTS ngày 20-9-2021 về Quy trình xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá, hàng tháng Ban quản lý cảng cá lập bảng phân công lịch trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ, phân chia 4 ca/ngày, trang bị 4 màn hình lớn và 4 máy tính phục vụ việc trực hệ thống giám sát tàu cá. Qua theo dõi, giám sát đã phát hiện, xử lý, phát hành 6 thông báo tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên và 1 thông báo tàu mất tín hiệu trên 1 năm gửi các đơn vị phối hợp xử lý đúng quy định; số tàu mất tín hiệu trên 10 ngày là 266 lượt tàu, trong đó mất kết nối trên biển trên 10 ngày là 92 tàu/109 lượt tàu. Kết quả kiểm tra nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân chưa nộp cước phí; tàu nằm bờ dài ngày nên tắt thiết bị VMS bị hỏng; tàu đã bán sang các địa phương khác. Không có tàu cá của ngư dân Nam Định vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị nước ngoài bắt giữ.
Sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các ban, ngành, địa phương, nhất là Ban quản lý cảng cá, trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan về kiểm soát hoạt động khai thác hải sản là những đảm bảo hoàn thành việc khắc phục các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu, hướng tới phát triển an toàn, bền vững cho ngành thuỷ sản./.
Bài và ảnh: Văn Đại