Đầu tháng 8, sau vài trận mưa lớn, vườn thanh long của bà Nguyễn Thị Gái, thôn Trung Trại, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cành lá càng bóng lên xanh thẫm. Chen chúc giữa màu xanh của lá là vô vàn những quả thanh long chín mọng, bắt mắt. Lấy một quả ở gần mời khách, bà Gái chia sẻ: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt cộng thêm với cây đã trồng lâu năm nên quả ngày càng bé. Tuy nhiên, chất lượng, độ ngọt của thanh long không thay đổi. Duy trì vườn thanh long đến nay đã trên 10 năm, những năm được mùa, được giá, thanh long chính là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi”.
Bà Nguyễn Thị Gái, thôn Trung Trại, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) kiểm tra chất lượng quả thanh long chín trong vườn nhà. |
Người đầu tiên đưa cây thanh long về trồng trên đồng đất Mỹ Tân từ 10 năm trước là anh trai của bà Gái. “Thấy cây lạ lạ, hay hay, quả ăn mát và tốt cho sức khoẻ nên tôi cũng tập tành trồng”, bà Gái kể. Để trồng thanh long, bà lên nhà một người quen ở xã Mỹ Phúc cùng huyện Mỹ Lộc xin giống thanh long ruột trắng về ươm; chồng bà tìm thợ đúc cột bê tông làm trụ cho cây leo. Thời điểm mới trồng thanh long, gia đình bà Gái cũng chỉ “dám” cấy vài trụ. Đổ trụ xong, vợ chồng bà nhanh chóng bắt tay xuống giống. Trước đó, ông bà cùng nhau xáo xới kỹ đất vườn rồi phơi nắng phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh. Chuẩn bị đất xong vợ chồng bà Gái đào lỗ xuống trụ. Với các cây cho leo lên trụ bê tông, bà Gái thường làm trụ cao trên 1m. Sau khi chôn xong trụ, bà còn đào âm xung quanh, độ sâu từ 10-20cm, đường kính 1,5m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên và đặt hom. Một trụ bà Gái cấy khoảng 4 ngọn, cho cây bò vào cột bê tông. Khi cây đã bắt đầu bám vào trụ, bà dùng vải mềm bó chặt ngọn vào thân trụ bê tông. Bà cũng ước lượng khoảng cách cấy thanh long sao cho phù hợp, theo đó cứ 3m cấy 1 trụ.
So với nhiều giống cây ăn quả khác, thanh long rất dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc, tưới tiêu, sâu bệnh cũng ít. Mặc dù là giống cây chịu hạn giỏi, nhưng nếu nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất. Do đó, bà Gái đặc biệt chú ý đến việc cung cấp nước tưới cho cây. “Nếu không được cung cấp đủ nước, thanh long sẽ ít ra cành mới, cành phát triển chậm, có dấu hiệu bị teo và chuyển sang màu vàng. Hậu quả của việc thiếu nước trên cây có thể “đo đếm” được ngay khi tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao, có thể lên tới trên 80%, quả bé”, bà Gái cho biết thêm. Hiểu rõ đặc tính của cây, tùy theo độ ẩm đất mà nhịp độ tưới của bà Gái thay đổi từ 3-7 ngày/lần. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất đất, độ tuổi, sản lượng của cây mà bà bón lượng phân phù hợp cho thanh long. Thông thường, 1 năm bà bón phân cho cây 2 lần. Các loại phân mà bà dùng là NPK, phân chuồng, phân hữu cơ, phân lân… Cũng theo bà Gái, thanh long mà đặc biệt là giống thanh long ruột đỏ tương đối ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên để phòng trừ các loại côn trùng như kiến, bọ xít, ruồi vàng, các bệnh thối đầu cành, đốm nâu trên cành, nám cành…, bà Gái còn sử dụng thêm một số thuốc đặc trị để phun cho cây. Chăm sóc đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, từ năm thứ 2, vườn thanh long của bà Gái đã cho thu hoạch. Thanh long sẽ “bói” những quả đầu mùa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 rồi cho thu hoạch đến hết tháng 8 sang tháng 9. Tuy nhiên, với mỗi loại thanh long, thời gian ra hoa, cho thu hoạch quả lại tương đối khác biệt. Thanh long ruột đỏ ra hoa sớm hơn 1 tháng và thu hoạch lứa cuối muộn hơn 1 tháng so với thanh long ruột trắng. Vì 2 loại thanh long có thời điểm thu hoạch tương đối xa nhau nên cũng “tránh” được sự cạnh tranh về giá cả. Mặc dù vậy, trồng thanh long ruột đỏ, theo bà Gái cũng có một số rủi ro như: cành giòn và dễ gãy hơn so với thanh long trắng. Quả đỏ cũng không chắc thịt như quả trắng, do đó hay bị úng, thối. Vỏ quả thanh long ruột đỏ cũng dễ bị nhão, dập, khó khăn cho người vận chuyển…
Đã vào chính vụ thu hoạch thanh long, 1 tháng bà Gái sẽ ra vườn cắt quả 2 lần vào ngày mồng 1 đầu tháng và ngày rằm. Mỗi lần bà thu được từ 1-1,5 tạ quả. Theo quan sát của bà Gái, mỗi năm vườn thanh long của bà cho sản lượng khác nhau. Nếu năm đầu mỗi trụ thanh long chỉ cho sản lượng khoảng 10kg, thì từ năm thứ 2, khi cây đã ổn định hơn sẽ cho năng suất gấp đôi năm đầu. Năm thứ 3, nếu được chăm sóc tốt, cây sẽ cho thu hoạch khoảng 30 kg/trụ. Trong 3 năm trở lại đây, với gần 100 trụ thanh long, trung bình mỗi vụ bà Gái thu được trên 1 tấn quả. Với giá bán đầu mùa từ 30-40 nghìn đồng/kg thanh long, giữa mùa khoảng 15-20 nghìn đồng/kg, bà Gái khẳng định, trồng thanh long cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. “Cách đây khoảng 5, 6 năm, khi đó thanh long được mùa, được giá, sau mỗi vụ, trừ hết các chi phí, tôi có thể thu về vài chục triệu đồng. Năm nay giá thanh long thấp, cây cũng không sai quả bằng mọi năm, tuy nhiên theo tính toán của tôi trồng thanh long vẫn cho hiệu quả cao hơn so với trồng các cây hoa màu khác, đặc biệt là lúa”, bà Gái chia sẻ. Từ hiệu quả kinh tế của cây thanh long, không chỉ có bà Gái mà nhiều hộ gia đình khác ở Mỹ Tân cũng đang tập trung trồng, canh tác loại cây này. Chỉ tính riêng xóm Trung Trang đã có tới hàng chục hộ gia đình trồng thanh long. Một ưu điểm nữa của cây thanh long rất được người dân ưa thích khi trồng cấy là giúp họ tận dụng được diện tích đất dưới chân các bụi cây. Bà Gái lại trồng xen kẽ các loại rau thơm, rau muống, rau ngót dưới chân thanh long. Vì vậy, sau mỗi vụ thanh long, bà còn có thêm nguồn thu đáng kể từ rau.
Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là vụ thanh long năm nay của gia đình bà Gái sẽ kết thúc. Cuối vụ nếu muốn “tận thu” thêm, bà Gái nhờ các anh con trai ở gần đấy kích bằng điện giúp cây ra hoa, cho quả. Hết mùa, bà huy động thêm người tỉa bớt cành dưới gầm, kích thích các cành non sinh trưởng và phát triển cũng tránh để cây quá nặng, phòng trừ gió bão. Trên 10 năm trồng và gắn bó với cây thanh long, bà Gái bảo, chưa có ý định thay giống cây khác. Bởi vườn cây thanh long này là tâm sức, mồ hôi, nước mắt và cả những kỷ niệm không bao giờ quên được của hai vợ chồng bà. “Chồng tôi đã mất cách đây hơn một năm, từ khi ươm những cành đầu tiên cho đến khi thành vườn như bây giờ ông ấy đã đổ nhiều sức lực vào khu vườn này. Hơn nữa, thanh long vẫn cho hiệu quả kinh tế, “nuôi” được tôi nên tôi sẽ cố gắng duy trì”, bà Gái nói. Đối với nhiều hộ gia đình trồng thanh long ở Mỹ Tân khác, mỗi hộ chắc hẳn cũng có nhiều lý do để gắn bó với loại cây này./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân