Hiện, tỉnh Nam Định đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các dự án trọng điểm.
Còn nhiều vướng mắc, bất cập
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2022 – 2025, 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Nam Định đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 250ha thuộc các dự án trọng điểm của tỉnh với số chủ sử dụng trên 4.400 hộ, số tiền chi trả trên 900 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh. |
Trong đó, nhóm dự án đầu tư công đã giải phóng xong dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định. Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường ven biển đã giải phóng được thêm 155,91ha của 3.067 hộ với tổng kinh phí chi trả là 360,5 tỷ đồng. Dự án đường bộ ven biển đã giải phóng mặt bằng thêm 5,04ha của 292 hộ với tổng kinh phí chi trả là 247,6 tỷ đồng. Dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình (giai đoạn 2) đã giải phóng thêm 2,04ha của 150 hộ với tổng kinh phí chi trả là 152,86 tỷ đồng. Dự án xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định đã giải phóng thêm 15,41ha của 397 hộ với tổng kinh phí chi trả là 35,01 tỷ đồng. Và dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (TP Nam Định) đã giải phóng thêm 0,44ha của 43 hộ với tổng kinh phí chi trả 33,39 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, hiện công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chưa đạt tiến độ như kế hoạch đề ra, cần đẩy nhanh. Tại các huyện, còn khó khăn trong việc tìm vị trí có điều kiện tương đồng để bố trí tái định cư phân tán, cũng như thời gian làm thủ tục để xây dựng hạ tầng khu tái định cư tập trung kéo dài. Một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích dẫn đến việc khó thanh lý hợp đồng cho thuê đất công ích. Vẫn còn lúng túng trong thực hiện trình tự thủ tục và xử lý các tình huống trong công tác giải phóng mặt bằng. Đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn diễn biến phức tạp. Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tại dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình (giai đoạn 2) đi qua địa phận huyện Nghĩa Hưng, ông Dương Đức Thiệp – Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng cho biết, việc giải phóng mặt bằng dự án đang gặp các vướng mắc do hệ thống pháp luật về đất đai liên quan đến công tác giải phóng mặt chưa sát thực tế. Có những vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng chưa có quy định hay được hướng dẫn giải quyết. Chẳng hạn đối với đất trồng lúa trong dân cư gắn với đất ở đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nhưng loại đất chưa có quy định hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Ngoài những vướng mắc cụ thể kể trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương trong tỉnh cơ bản còn 2 vướng mắc trọng tâm là xác định nguồn gốc đất đai và giá đất. Đây cũng là 2 yếu tố dẫn đến nhiều vụ khiếu nại liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng.
Theo đó, ông Phạm Đình Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đặc biệt khối lượng công việc trong năm 2023 rất lớn nên các sở, ngành, các địa phương phải đề cao tính chủ động thực hiện các phần việc thuộc trách nhiệm đã được phân cấp theo thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, không chờ UBND tỉnh giao việc mới triển khai thực hiện. Phải chủ động phân công, phân nhiệm công tác giải phóng mặt bằng theo từng lĩnh vực, từng đoạn tuyến và phải gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân. Các sở, ngành phải tăng cường phối hợp, rà soát các quy định, hướng dẫn, tham vấn ý kiến các bộ, ngành chủ quản, sớm thống nhất phương án để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các vướng mắc phát sinh từ thực tế giải phóng mặt bằng.
Cần quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Phạm Gia Túc cho biết, do quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, vì vậy nhiệm kỳ này, tỉnh phải bứt tốc huy động đầu tư phát triển giao thông để khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu dân cư tập trung, dẫn đến khối lượng phải giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, Ban Chỉ đạo phải quyết tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả để các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện đạt chất lượng cao nhất công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các dự án trọng điểm.
Nam Định đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm. |
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định còn chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đoàn kết, quyết liệt và trách nhiệm hơn. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp làm việc, cùng các địa phương trọng điểm trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay (gồm Nghĩa Hưng, Xuân Trường và TP Nam Định) tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, không để các địa phương phải đơn phương trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Đồng thời yêu cầu, các Bí thư Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện phải cam kết trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bàng các dự án trọng điểm của tỉnh. Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phải thực hiện đúng trách nhiệm đã được giao.
Để người dân đồng thuận cùng tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cần sát dân, gần dân hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Để công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả như mong đợi, ông Phạm Gia Túc cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự. Các địa phương cần tập trung tìm các điểm tái định cư phân tán phù hợp, phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành cần công khai, minh bạch, tuân thủ chính sách pháp luật trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo diendandoanhnghiep.vn