Tháng Bảy về, mỗi chúng ta đều như sống chậm hơn, gần nhau hơn để cùng hướng về những năm tháng khói lửa chiến tranh thật hào hùng mà biết mấy đau thương của toàn dân tộc. Đã có biết bao người anh hùng – những người con ưu tú ngã xuống trên dặm dài đất nước, trên bước đường trường chinh của những cuộc kháng chiến trường kỳ; đã có bao chàng trai, cô gái hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, hiến dâng một phần thân thể hay hạnh phúc riêng tư… để giữ gìn hòa bình và sự vẹn toàn một dải của non sông gấm vóc này…
Ảnh minh họa. |
Giữa không gian của hương hoa huệ tinh khiết và thoang thoảng khói trầm, lòng ta lắng lại với niềm nhớ thương và tri ân công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, các thương bệnh binh, gia đình có công với nước đã không tiếc xương máu, cống hiến cuộc đời cho lý tưởng thiêng liêng và sự nghiệp cao cả của toàn dân tộc. Dù thời gian đã dần lấp những hố bom xưa, đã xanh lại những khu rừng, nhưng những vết thương chiến tranh vẫn không dễ nguôi quên! Những hy sinh mất mát của các Anh hùng Liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp biên cương, biển đảo; những nghĩa trang trùng điệp ngôi mộ “liệt sĩ chưa biết tên” và còn bao liệt sĩ chưa tìm được phần mộ. Những cơn đau khi trái gió trở trời hành hạ người thương binh, bệnh binh vì một phần cơ thể đã để lại ngoài trận địa. Tuổi xuân và máu xương của các anh đã gửi về đất mẹ để làm nên dáng hình Tổ quốc hôm nay…
Ta cảm phục biết bao những gia đình vượt lên đau thương, mất mát để dựng xây cuộc đời, thầm lặng gánh vác phần việc thay cho người nằm xuống. Những công xưởng vẫn vang đều tiếng máy reo, những cánh đồng vẫn bội thu lúa ngô năm đôi ba vụ, những lớp học vẫn vang ngân tiếng trẻ đọc bài… Đất nước vượt qua thời nguy khó gian lao là nhờ một phần lớn ở những “Vọng phu” biết lo “cơm đủ áo lành”. Công ơn những Anh hùng Liệt sĩ, những thương, bệnh binh thật lớn lao và nghị lực của các thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh cũng vĩ đại biết nhường nào!…
Lòng ta xin được làm ngọn nến tri ân thắp sáng nghĩa trang, xin được làm nén nhang thơm trên hàng bia mộ liệt sĩ. Những đoàn người hành hương tìm về các chiến trường xưa để cảm xúc dâng trào theo dòng hồi ức; những tượng đài “Tổ quốc ghi công” trang nghiêm, xây dựng bằng xương máu của người ngã xuống; những ngôi nhà tình nghĩa… là tình cảm, tấm lòng của những người đang sống. Đó là sự kết nối trong mạch nguồn truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ hôm qua đến hôm nay và mai sau./.
Trần Văn Lợi