KỲ LẠ BÃO THÁNG 3
Đọc lại tư liệu xưa thấy nhiều sách báo nói về trận bão kỳ lạ và khủng khiếp này. Kỳ lạ bởi vì bão xảy ra đầu mùa hè, không phải mùa bão lụt ở vùng ĐBSCL. “Thình lình một trận bão thinh không/Nước lụt năm rồng gặp tháng rồng/Giông thổi trốc cây chim khiếp vía/Đất bằng nổi sóng chúng kinh hồn…”. Đó là mấy câu thơ (trích) đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, số ra ngày 9.6.1904.
Nông Cổ Mín Đàm là một trong vài tờ báo tiếng Việt xuất bản sớm ở Sài Gòn, chuyên thông tin kinh tế, rao vặt, quảng cáo, chủ bút là Lương Khắc Ninh tự Dũ Thúc, người Bến Tre. Có lẽ đây cũng là tờ báo quốc ngữ đưa tin sớm nhất về trận bão này. Báo mỗi tuần ra một số vào thứ năm. Trận bão xảy ra ngày chủ nhật 1.5.1904 thì Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 5.5.1904 và các số tiếp theo đều có bài tường thuật: “Trong ngày 16.3, từ 6 giờ ban mai, trời mưa rỉ rả, tục gọi là mưa kéo vải, trời rập chẳng có mặt trời, mưa đến 12 giờ trưa. Gió thổi nặng ngọn, thổi riết đến 2 giờ chiều, thổi cho đến nhà xiêu cột ngả, tàu úp ghe chìm. Tại Sài Gòn me ngả đầy đàng, bên Xóm Chiếu nhà lăn chật đất, nước dâng lụt Nhà Bè, Long Kiểng, trâu bò trôi người vật lao xao”.
Số báo tiếp theo (12.5.1904) tờ Nông Cổ Mín Đàm tường thuật chi tiết hơn: “Tại Sài Gòn, dưới sông, ghe chài và ghe đò chìm chẳng biết bao nhiêu, trên bờ cây ngã chật đàng, cu li làm đàng dọn không xuể… Đèn khí thì đứt hết chạy không đặng đến đổi (đỗi – NV) đô thành đều phải ở thầm, còn những kho tàng, nhà cửa, ghe tàu hư hại ước chừng một vạn hai ngàn chín trăm năm chục đồng bạc”.
“Tại Gò Công, mấy làng ở gần biển đều rạp hết, nhà sập người trôi. Ở Tân Bình Điền và Tân Thành, mỗi làng còn sót lại vài chục người. Làng Kiểng Phước và Tân Duân Đông cũng bị nặng lắm”.
“Tại Mỹ Tho, nhà cửa lâu đài cái thì hư, cái thì sập. Chaloupe của các chú 3 – 4 chiếc đều chìm hết. Những ghe buôn bị chìm chẳng biết bao nhiêu… Cũng trong ngày ấy, chuyến xe lửa hồi 2 giờ rưỡi chiều đi Mỹ Tho chạy đến giữa đàng thì bị gió thổi lật nghiêng”.
“Hạt Bến Tre, nhà lá mười phần sập hết chín. Nhà ngói thì phần nhiều bị tốc nóc. Ba chiếc tàu chaloupe để đưa bộ hành trong hạt có 2 chiếc bị chìm. Một chiếc chìm tại sông Hàm Luông gần Ba Tri, một chiếc chìm tại Cái Mơn. Mấy tỉnh phía tây đều bình yên. Tại Sóc Trăng ngày ấy chỉ có một đám mưa lớn mà thôi. Cần Thơ thì cây trái hư hao chút đỉnh”…
BÃO Ở SÀI GÒN – CHỢ LỚN
40 năm sau, chẳng hiểu sao, tờ Nam Kỳ Tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh, trong số cuối cùng ra ngày 8.6.1944 lại có bài tường thuật rất dài và chi tiết về trận bão năm Thìn 1904. Bài báo kể rằng: Ngày chủ nhật hôm ấy, ở Sài Gòn có cuộc bỏ thăm bầu Hội đồng thành phố và chiều bữa trước, có lễ lạc thành tuyến đường xe lửa Gò Vấp – Hóc Môn. Tại buổi lễ này, có vị đọc diễn văn nói: “Nam kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá. Ấy là sự bảo đảm của nền thạnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người mà cũng là hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…”.
Thế nhưng, vừa mới khen bữa trước thì sáng hôm sau trời cứ mưa lâm râm mãi. Đến giữa trưa thì gió bắt đầu thổi mạnh rồi vừa giông vừa mưa, mà mưa như cầm chĩnh mà đổ. Lần lần xe ngựa, xe kéo và bộ hành tìm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà.
Cuộc tuyển cử Hội đồng thành phố bầu 6 nghị viên, nhưng hôm ấy chỉ có lối 30 cử tri tới phòng bỏ thăm rồi cũng chỉ có mấy ông khui thăm và công bố kết quả. Hơn 400 cử tri vắng mặt, thành thử 6 ông ra ứng cử đều không gom đủ số thăm, vì vậy nên chủ nhật tuần sau phải bầu lại.
Đến 5 giờ chiều thì mưa giông kịch liệt. Nhà lá và những ngôi nhà cũ ở quanh vùng Sài Gòn, phần lớn bị sập hoặc tốc nóc. Dọc theo sông Sài Gòn tàu lớn tàu nhỏ, tam bản, ghe chài bị đứt neo, trôi giữa sông bị sóng gió đánh ập vào, chiếc sụp xuống, chiếc trồi lên như khiêu vũ. Tàu với ghe đụng nhau mà chìm, tiếng người kêu khóc, cầu cứu vang dội…
Tới 10 giờ đêm, trời bớt giông nhưng vẫn còn mưa tới sáng thứ hai mới ngớt hột. Bấy giờ, trong thành phố mới thấy bóng người. Người ta thống kê có tới 900 cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang ở các con đường. Những cây còn đứng được thì cũng xiêu vẹo. Lá cây rụng lấp cả đường đi, bay tới trên cửa sổ nhà lầu, nhứt là ở miệt Chợ Cũ và gần sở Thương Chánh.
Nam Kỳ Tuần báo cũng dẫn nguồn tờ l’Opinion và Le Courrier tường thuật về trận bão ấy có một đoạn: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rồng từ trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở depot xe lửa và đè nhẹp một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi liệng xuống mặt đất”…
Trong số báo ra ngày 8.6.1944, tờ Nam Kỳ Tuần báo còn giới thiệu ở cuối bài “Trận bão năm Thìn” là “còn tiếp”, nhưng rồi đó cũng là số cuối cùng, sau 85 số báo ra liên tục từ tháng 9.1942. Có người cho rằng, thời điểm đó, Thế chiến 2 sắp kết thúc, kinh tế hết sức khó khăn. Vì vậy, cho dù có tiền cũng không thể mua được giấy in nên tờ báo đành phải đóng cửa. (còn tiếp)