Ngày 19-9, BS CK2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết các bác sĩ tại đây vừa kịp thời phẫu thuật cứu nam bệnh nhân V.T.Q. (21 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) bị lủng dạ dày.
BS CK2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật
Anh Q. nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, sốt cao kèm nôn ói. Bệnh nhân cho biết trước đó, mỗi lần cảm, sốt thường tự mua thuốc điều trị. Bên cạnh đó, do tính chất công việc, anh thường phải uống rượu bia.
Sau khi thăm khám, chụp Xquang, CT-scan, xét nghiệm máu, kết quả ghi nhận bạch cầu anh Q. tăng 12.300 G/L (số lượng bạch cầu trong máu người bình thường khoảng từ 4.0 đến 10.0G/L); có hơi tự do trong ổ bụng.
Anh Q. được phẫu thuật cấp cứu trong đêm. Bác sĩ ghi nhận một lỗ thủng 5 mm ở tiền môn vị từ dạ dày vào tá tràng. Bệnh nhân được khâu vết thủng qua nội soi. 3 ngày sau phẫu thuật, anh Q. đã có thể trung tiện, rút ống sonde tiểu…, hết sốt, có thể tự ăn uống. Dự kiến khoảng vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Hưng lưu ý bệnh nhân đã được khâu lỗ thủng nhưng sau khi xuất viện cần tiếp tục điều trị nội khoa, thăm khám định kỳ 1 tháng. “Bệnh nhân bị loét dạ dày dẫn đến thủng, việc khâu vết thủng chỉ là bước ban đầu. Sau xuất viện khoảng một tháng, bệnh nhân phải nội soi lại dạ dày để kiểm tra và điều trị nội khoa vết loét. Bởi vết loét có thể thủng lại và thủng lần thứ hai sẽ phải cắt dạ dày. Lúc này, tình trạng rất nặng nề tỷ lệ tử vong cao” – bác sĩ Hưng nhấn mạnh và cho biết quan trọng nhất là sau này, bệnh nhân phải cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc giảm đau, không nên tự ý mua về điều trị.
Theo bác sĩ Hưng, trong y văn, thủng dạ dày có 4 nguyên nhân: loét do stress, ăn uống, dùng thuốc kháng viêm; ung thư; dao đâm; nội soi dạ dày lúc sinh thiết khiến thủng.
“Khi thủng dạ dày, quan trọng nhất là chẩn đoán sớm vì lúc đó, hơi dịch dạ dày phát ra trong ổ bụng, 6 giờ đầu sẽ gây viêm phúc mạc. Sau 6 giờ, nếu không can thiệp thì dịch dạ dày có vi khuẩn phát triển sẽ gây viêm phúc mạc và chậm trễ hơn nữa sẽ gây viêm, nhiễm trùng, nhiễm độc. Lúc này có thể khiến người bệnh nguy kịch” – bác sĩ Hưng phân tích.