Các bác sĩ Khoa Nam học và y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa phẫu thuật cấp cứu cho một nam thanh niên 20 tuổi bị tổn thương vùng dương vật. Người nhà của bệnh nhân cho biết, các vết thương do bệnh nhân tự lấy kéo cắt vào dương vật.
Bệnh nhân có tiền sử chậm phát triển tâm thần vận động, đã học hết lớp 9, đang làm thợ nhôm kính. Khoảng 3 năm trước, bệnh nhân này thường có biểu hiện cáu gắt, hay đập phá, gây gổ; có lúc lại lầm lì, ít nói. Bệnh nhân khi đó đã được gia đình đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện tâm thần với chẩn đoán rối loạn tâm thần phân liệt.
Dù đang điều trị bệnh theo đơn ngoại trú nhưng thanh niên này thường xuyên có những hành vi làm hại bản thân, cứ thấy nước là nhảy xuống, bất kể ao, hồ, sông, suối hay chỉ là một vũng nước đọng lại sau cơn mưa. Có những ngày người thân phải 5 – 7 lần vớt bệnh nhân từ dưới ao lên. Đây là lần đầu bệnh nhân dùng dao, kéo tự làm hại.
PGS – TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, cho biết tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã phẫu thuật xử lý vết thương, bảo tồn dương vật cho nam thanh niên, sau khi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Trong quá trình chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân luôn được chú ý đặc biệt để không tự làm hại bản thân. Sau phẫu thuật ổn định, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa tâm thần để theo dõi và điều trị tiếp.
Hành vi tự làm hại do bị chi phối bởi ảo giác
Theo Trưởng khoa Nam học và y học giới tính, tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển mạn tính, bệnh nhân dần xa cách cuộc sống thực tại. Hành vi tự sát hay tự làm hại ở người bệnh tâm thần phân liệt do bị chi phối bởi hoang tưởng, ảo giác.
Trường hợp nam bệnh nhân nêu trên, qua đánh giá lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hành vi tự cắt dương vật là do ảo thanh chi phối (người bệnh tự nghe thấy một hay nhiều giọng nói thúc giục hành vi).
Trong y văn tại Việt Nam và trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp có hành vi cắt dương vật tương tự bệnh nhân trên. Dạng tổn thương này để lại hậu quả nặng nề với người bệnh và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Theo Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), tâm thần phân liệt được điều trị bằng các liệu pháp hóa dược, có thể kết hợp với các liệu pháp tâm lý và điều biến não. Có thể phải nhập viện nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là kích động hoặc có ý nghĩ tự sát.