Thái Tài tốt nghiệp trong 3,5 năm, đạt loại xuất sắc với điểm trung bình 9,38/10, IELTS 8.0, thuộc diện hiếm ở Bách khoa TP HCM.
Trong gần 1.000 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp hôm 26/4 của Đại học Bách khoa TP HCM, Thái Tài, sinh viên ngành Khoa học máy tính, dẫn đầu về điểm trung bình.
Theo thầy Mai Đức Trung, giảng viên khoa Khoa học máy tính, sinh viên Bách khoa học vượt không hiếm, nhưng ít ai học vượt mà vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc.
Với Tài, đây là quả ngọt sau hành trình kiên trì, bền bỉ.
“Em rất hạnh phúc khi có hành trình đáng nhớ, mĩ mãn tại Bách khoa”, Tài nói.
Là cựu học sinh chuyên Toán trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, Thái Tài đỗ vào Bách khoa bằng cả phương thức ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp.
Nam sinh cho hay ban đầu không nghĩ đến chuyện học vượt, bởi biết chương trình của Bách khoa nổi tiếng khó. Tuy nhiên, khi thấy các anh chị khóa trước học vượt thành công, được nhận thực tập ở tập đoàn lớn, Tài có thêm động lực.
Đầu năm thứ hai, nam sinh vạch ra kế hoạch chi tiết để thực hiện. Theo Tài, Bách khoa đòi hỏi sinh viên phải tự học, nghiên cứu nhiều, bên cạnh việc nắm bắt nội dung giảng dạy của thầy cô. Do đã quen cách học này từ thời phổ thông, nam sinh đánh giá bản thân có thể đáp ứng được.
“Ở Phổ thông Năng khiếu, em được rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, học với khối lượng lớn nên thích nghi tốt trong thời gian đại học”, Tài chia sẻ.
Mỗi học kỳ, Tài đăng ký thêm vài môn so với kế hoạch đào tạo chung. Thông thường, sinh viên học 4-5 môn một học kỳ, nhưng Tài học 6-7 môn. Nam sinh dồn lịch học vào 3-4 ngày trong tuần, dành các ngày còn lại để tự học, đọc tài liệu chuyên ngành.
Vì lượng bài tập và kiến thức cần ghi nhớ tăng dần, Tài lên danh sách những việc cần làm từ đầu tuần, chia đều cho các ngày và tự tổng kết vào cuối tuần. Trước khi lên lớp, em xem bài giảng để nắm sơ lược. Trong giờ học, Tài đặt nhiều câu hỏi để hiểu, nhớ bài ngay trên lớp.
“Em cố gắng hiểu bản chất của vấn đề hơn là nhớ các câu chữ, vì vậy em có thể nhớ được lượng kiến thức nhiều, lâu hơn”, Tài cho hay.
Đến thời gian ôn thi, nam sinh chỉ cần hệ thống kiến thức và làm quen đề. Tài cũng ưu tiên học nhóm, cùng ôn với bạn bè để bổ sung, nhắc kiến thức cho nhau.
“Quãng thời gian khó khăn nhất với em là lúc vừa đi thực tập toàn thời gian vừa làm đồ án. Ban ngày đi làm ở công ty, tối em dành thời gian trau chuốt cho đồ án của mình tốt nhất có thể, có khi thức đến 2, 3h sáng”, Tài kể. Nam sinh hoàn thành đồ án trong 7 tháng, được xếp loại xuất sắc.
Nhờ quản lý khoa học, Tài vẫn có thời gian chơi thể thao, học ngoại ngữ, phụ giúp gia đình và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Ở trường Bách khoa, Tài cùng giảng viên nghiên cứu xây dựng Hệ thống phục vụ công tác quản lý quá trình vận chuyển rác thải đô thị. Ngoài ra, Tài thực tập ba tháng ở Viện nghiên cứu VinAI.
Song song đó, Tài tự học thêm tiếng Anh, Đức. Nam sinh duy trì thói quen học từ vựng mới mỗi ngày, nghe các kênh diễn thuyết của người nước ngoài để cải thiện phát âm và ngữ điệu. Nhờ vậy, Tài thi đạt 8.0 IELTS, riêng kỹ năng Nói được 8.5.
Với tiếng Đức, Tài áp dụng phương pháp tương tự, nhưng khó khăn hơn vì từ vựng khó nhớ. Do đó, Tài học từ mới theo cụm, kèm với hình ảnh hoặc theo ngữ cảnh sử dụng để sử dụng đúng.
Là giảng viên chủ nhiệm, thầy Mai Đức Trung ấn tượng với khả năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian của Thái Tài. Thầy cũng khen học trò về khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm, giúp em tạo dựng mối quan hệ tốt với giảng viên và bạn bè.
“Đã học vượt, Tài còn làm lớp trưởng. Em ấy năng nổ trong các phong trào của lớp, khoa. Công việc đã giao cho Tài thì tôi rất yên tâm”, thầy Trung nhận xét.
Hiện, Tài trau dồi tiếng Đức và chuẩn bị hồ sơ học thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại nước này. Nam sinh muốn nâng cao kiến thức chuyên môn và trau dồi vốn sống của bản thân.
“Đức có nền tảng kỹ thuật công nghiệp hàng đầu thế giới, nổi tiếng với tác phong công nghiệp gọn gàng, hiệu quả nên em muốn tu nghiệp tại đây”, Tài nói.
Lệ Nguyễn