(Dân trí) – Trở thành giáo viên dạy IELTS ngay từ khi còn là sinh viên năm hai, Hà Tuấn An không để bản thân cuốn vào công việc quá nhiều, cố gắng duy trì mức điểm GPA đạt 3.84/4.0.
Hà Tuấn An (SN 2004, Hà Nội) hiện theo học chuyên ngành Truyền thông Marketing Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Trước đó, nam sinh từng đỗ đại học bằng phương thức xét tuyển sớm với mức điểm 36.
Không giống với nhiều bạn sinh viên khác, Tuấn An bắt đầu đi làm từ khi còn là sinh viên năm nhất. Thay vì chỉ dành thời gian học tập trên sách vở, anh chàng lựa chọn trau dồi kỹ năng từ chính những kiến thức thực tế.
Từ học sinh giỏi môn lịch sử đến giáo viên dạy IELTS
Vốn xuất thân là học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), Tuấn An từng có cơ hội tham gia vào Đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia môn lịch sử vào năm lớp 11.
Tình yêu và sự yêu thích với lịch sử của Tuấn An đã bắt đầu nhen nhóm từ lúc còn nhỏ, khi nam sinh được bố mua tặng rất nhiều quyển sách hay như Những nền văn minh thế giới, Các triều đại Việt Nam…
Niềm đam mê với lịch sử đó phát triển theo năm tháng và trở thành động lực khiến nam sinh lựa chọn, gắn bó trong suốt thời gian học cấp 3. Những cuốn sách “gối đầu” chính là nền tảng giúp Tuấn An có thể học tập, tiếp thu các kiến thức nhanh chóng hơn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tuấn An cho biết: “Đối với mình, lịch sử là tấm gương phản chiếu rõ nhất những ứng xử, động thái trong hiện tại. Khi nghiên cứu về lịch sử, mình đã biết thêm chi tiết về tài chính, văn hóa và hành vi xã hội của từng quốc gia.
Chính vì vậy, việc học lịch sử đã giúp mình có thêm cái nhìn tổng quan về hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống, làm nền tảng có thể thu nạp các kiến thức đa ngành dễ dàng hơn”.
Câu lạc bộ Marketing Học viện Ngoại giao là nơi Tuấn An trau dồi kiến thức, gửi gắm thanh xuân của mình (Ảnh: NVCC).
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng trai sinh năm 2004 đã xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi học sinh giỏi thành phố môn lịch sử vào năm lớp 11 và trở thành trưởng nhóm diễn giả môn lịch sử thuộc dự án Highschool Help Kit.
Với khả năng ngoại ngữ tốt cùng chứng chỉ IELTS đạt mức điểm 7.5, Tuấn An sớm tìm kiếm cho mình một công việc ổn định ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất. Bén duyên với nghề trợ giảng tiếng Anh, nam sinh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Tuấn An bộc bạch: “Giáo viên dạy kèm tiếng Anh chính là công việc đầu tiên trong đời của mình. Nó đến với mình rất tình cờ thông qua một người thân trong gia đình giới thiệu. Mình bắt đầu làm việc ở vị trí trợ giảng và dần có thêm nhiều kỹ năng sư phạm, chuyên môn để từng bước thử sức ở các vị trí cao hơn như gia sư tiếng anh hay hiện tại là giáo viên luyện thi IELTS.
Trở thành giáo viên bán thời gian giúp mình có thêm không ít trải nghiệm quý giá, cách truyền động lực cho học sinh, kỹ năng phân tích, đánh giá sự tiến bộ cũng như giải quyết xung đột trong lớp”.
Không để công việc ảnh hưởng đến thành tích học tập
Vốn là người có tính tự lập và mong muốn tích lũy kinh nghiệm từ sớm, Tuấn An lựa chọn đi làm ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất. Trước khi bước chân vào đại học, nam sinh Ngoại giao đã xây dựng kế hoạch tương lai một cách cụ thể trong khoảng 2-5 năm tới.
Tuấn An cho rằng, để có thể đạt được điều đó, kinh nghiệm đi làm và kiến thức chuyên môn chính là bệ phóng tốt nhất giúp chàng sinh viên năm hai hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ trước.
Khi chia sẻ những dự định, kế hoạch với gia đình, Tuấn An may mắn nhận được sự đồng tình và ủng hộ. Bố mẹ nam sinh chỉ có một yêu cầu duy nhất là đảm bảo kết quả trên lớp và luôn phải đặt việc học lên hàng đầu.
Với đa số các bạn trẻ hiện nay, giữ cân bằng cuộc sống, học tập khi làm nhiều công việc một lúc là điều rất khó khăn. Kỹ năng quản lý thời gian là yếu tố chìa khóa giúp Tuấn An hoàn thành các công việc đúng thời hạn mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Đầu tiên, Tuấn An thường sử dụng những công cụ như Google Calendar, Notion… để xác định rõ các đầu công việc cần làm trong ngày cũng như sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, Tuấn An thường có quan điểm “việc nào giờ đấy” nên sẽ không để công việc nào ở công ty trải dài sang thời gian học buổi chiều hay đi dạy thêm tiếng Anh vào buổi tối.
Theo Tuấn An, việc gia nhập thị trường lao động từ sớm giúp các bạn trẻ có cơ hội va chạm, học hỏi, được mắc sai lầm và sửa sai trước khi có công việc chính thức sau này. Những trải nghiệm thực tế sẽ là hành trang vững chắc giúp sinh viên tránh sự bỡ ngỡ và khó hòa nhập, đồng thời xác định điểm mạnh – điểm yếu của bản thân để định hướng sự nghiệp phù hợp trong tương lai.
Tuy nhiên, đi làm sớm cũng khiến nam sinh Ngoại giao phải đánh đổi nhiều thứ. Cùng lúc làm nhiều công việc nhưng vẫn duy trì việc học trên trường là thử thách khắc nghiệt với những ai không có đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, đi làm sớm đồng nghĩa với việc hy sinh rất nhiều thời gian cá nhân cho công việc. Thay vì dành thời gian cho gia đình, đi chơi với bạn bè và tận hưởng những năm tháng đẹp nhất tại đại học, chiếc laptop (máy tính xách tay) đã trở thành vật bất ly thân với Tuấn An.
Có cơ hội làm việc tại tập đoàn lớn trong nước
Hai năm vừa qua, bản thân Tuấn An đã có kinh nghiệm qua nhiều công việc nhưng có lẽ, trở thành thực tập sinh marketing tại Viettel Telecom chính là điều khiến nam sinh tự hào và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất.
Trong hơn 6 tháng thực tập tại đây, nam sinh Ngoại giao có cơ hội học hỏi, tích lũy kiến thức từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và marketing. Đặc biệt, Tuấn An được tham dự nhiều buổi họp quan trọng với các đối tác lớn như Google, Rạng Đông… hay tham gia thảo luận với lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia như giám đốc Microsoft khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
“Việc đi thực tập chuyên ngành ngay từ năm nhất khiến mình phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo chất lượng công việc được giao. Đối với mình, thích ứng ở đây không chỉ là đáp ứng yêu cầu chuyên môn mà còn phải thích ứng với môi trường làm việc, nhân sự doanh nghiệp và cách thức làm việc”, Tuấn An nói thêm.
Tuấn An ít khi bị quá tải vì bản thân có khả năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian tương đối tốt (Ảnh: NVCC).
Khi làm việc tại môi trường chuyên nghiệp cao, Tuấn An học cách thích ứng nhanh bằng việc xin góp ý từ các anh chị về những điểm tốt cũng như chưa được.
Bên cạnh đó, nam sinh còn thường xuyên chủ động tìm hiểu về công ty cũng như tâm sự những khúc mắc trong quá trình làm việc để cải thiện và hiểu rõ quy trình vận hành, văn hóa doanh nghiệp và hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.
Mặc dù vậy, Tuấn An thừa nhận, bản thân mới chỉ là sinh viên năm hai và còn nhiều khoảng trống kiến thức chuyên môn. Trong thời gian tới đây, nam sinh Ngoại giao sẽ tập trung học kiến thức chuyên sâu về marketing, phát triển kỹ năng mềm và tìm kiếm cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp mong muốn.
Ngoài ra, Tuấn An vẫn tiếp tục công việc giáo viên dạy IELTS để giúp bản thân tự chủ tài chính cũng như chi trả các khoản chi tiêu bằng chính đồng tiền mình kiếm ra.
Dantri.com.vn