(Dân trí) – Không phải sinh viên ngành thời trang, Đức Lương vẫn khẳng định tài năng thiết kế tại nhiều cuộc thi. Gần đây, nam sinh đoạt giải “Trang phục truyền cảm hứng” tại “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023”.
Được lấy ý tưởng từ nét đặc trưng của đám cưới miền Tây với câu nói “1, 2, 3 dô” quen thuộc, “Ngày xuân vui cưới” là một trong những trang phục nổi bật tại đêm thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022. Tác phẩm này do Nguyễn Đức Lương (SN 2000, TPHCM) – sinh viên Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) – thực hiện.
Phần trình diễn không chỉ thu hút sự quan tâm, yêu thích từ cộng đồng mạng mà còn giúp các nước bạn biết đến hiệu ứng “cụng ly 1,2,3 dô” độc đáo của người Việt Nam.
“Tôi thiết kế trang phục này với mong muốn mang tới không khí nhộn nhịp, vui tươi và giới thiệu truyền thống văn hóa của người miền Tây đến bạn bè quốc tế”, Đức Lương chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Khoảnh khắc cụng ly mừng đám cưới được tái hiện ngay trên sân khấu cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình 2022” khiến khán giả phấn khích.
Muốn thành nhà thiết kế để may áo dài tặng mẹ
Cậu của Đức Lương là giáo viên dạy vẽ nên nam sinh được bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật từ nhỏ. Làm bạn với chiếc cọ vẽ giúp anh chàng nhận ra bản thân có “máu” nghệ thuật và năng khiếu hội họa.
Nét vẽ đầu tiên của chàng trai là bức tranh đồng lúa quê hương cho đến tà áo dài, nón lá… Cứ thế, cậu dần yêu thích những thứ thân thuộc với con người Việt Nam, tạo thành niềm đam mê văn hóa truyền thống.
Biết con trai thích vẽ, gia đình Đức Lương luôn ủng hộ và động viên nhưng không có đủ điều kiện cho cậu đi học lớp năng khiếu. Hiểu được sự vất vả của bố mẹ, nam sinh không dám đòi hỏi mà luôn tự mày mò, trau dồi kỹ năng hội họa của bản thân từ những kiến thức tích cóp trên mạng.
Gia đình Lương hồi đó không dư dả nên mỗi lần đi họp hay dự lễ, mẹ cậu chỉ có đúng một chiếc áo dài sờn cũ để mặc. Nhìn mẹ như vậy, chàng trai thấy chạnh lòng và ao ước có thể tự tay làm một chiếc áo dài tặng mẹ.
“Chính từ thời khắc đó, tôi quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Vẫn nhớ khi tôi may tặng mẹ chiếc áo dài đầu tiên, mẹ thích lắm, liền lấy và ướm thử lên người, sau đó lại cất giữ cẩn thận. Thú thực, chưa bao giờ tôi thấy mẹ trân trọng một món đồ đến vậy”, anh chàng bộc bạch.
Đức Lương tự mày mò, học hỏi kiến thức để theo đuổi đam mê thời trang.
Đức Lương từng là cậu bé nhút nhát, không dám thể hiện mình và thường xuyên gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý. Nhờ sự ủng hộ, cổ vũ của người thân và bạn bè, chàng trai sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để khẳng định năng lực.
Năm 21 tuổi, nam sinh HUTECH đăng ký tham gia Cuộc thi thiết kế Trang phục dân tộc tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2021. Lần đầu tiên thử sức ở sân chơi khá lớn, anh chàng không khỏi lo lắng, sợ hãi. Thế nhưng, nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội còn lớn hơn nên cậu luôn tự nhủ mình phải làm hết sức để sau nhìn lại sẽ không hối tiếc.
Lúc ấy, Lương và bạn thân cùng nhau lên ý tưởng cho trang phục “Cóc kiện Trời”. Đây là tâm huyết của hai nam sinh, truyền tải thông điệp về sự dũng cảm đồng thời thể hiện mong muốn bình đẳng, công bằng cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới).
Khi biết mình lọt top 10 trang phục dân tộc trong cuộc thi, Đức Lương cảm thấy xúc động. Dù không được chọn đi tiếp, cậu không xem đó là thất bại. Đối với nam sinh, đây là động lực để cố gắng và hoàn thiện hơn ở những sản phẩm sau.
“Cóc kiện Trời” là thiết kế tâm đắc nhất đối với nam sinh HUTECH.
Mang nét đẹp truyền thống vào thiết kế
Nét đẹp văn hóa Việt Nam là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi lần Đức Lương đặt bút thiết kế. Không phải từ những thứ quá lớn lao mà chính con người và hoạt động đời thường đã mang tới cho anh chàng các ý tưởng độc đáo.
Đối với mỗi sản phẩm, nam sinh đều lên ý tưởng rồi tìm kiếm tài liệu lịch sử, nghiên cứu kỹ những nét truyền thống dân tộc đặc trưng, phù hợp để đưa lên trang phục biểu diễn. Chàng trai khéo léo gửi gắm những câu chuyện, thông điệp sâu sắc vào từng thiết kế của mình.
“Mọi người thường hỏi tôi vì sao chỉ thiết kế trang phục truyền thống mà không thử sức với những điều mới hơn. Theo tôi, văn hóa là quá khứ, hiện tại và tương lai, nó không chỉ là truyền thống mà còn mang hơi thở hiện đại. Vì vậy, chừng nào văn hóa còn tiếp diễn, tôi còn tiếp tục tôn vinh những giá trị này”, anh chàng tâm sự.
Đức Lương luôn hoàn thiện tỉ mỉ, chỉn chu các tác phẩm của mình ngay từ những bản vẽ phác họa.
Bên cạnh “Ngày xuân vui cưới”, các thiết kế khác như “Cóc kiện Trời”, “Đánh bồng”, “Đoạn nguyệt sư miêu”… cũng giúp cái tên Đức Lương dần được nhiều người trong nghề biết đến và khen ngợi.
Nhắc đến xu hướng làm mới các trang phục dân tộc hiện nay, nam sinh cho hay, đặc thù ngành thời trang đòi hỏi nhà thiết kế phải không ngừng sáng tạo. Tuy nhiên, với trang phục dân tộc nói riêng, cậu không bao giờ cổ xúy và lên án việc phá cách khiến cho những giá trị văn hóa trở nên phản cảm.
“Tôi chọn biến hóa có chừng mực để vẫn giữ trọn những tinh hoa truyền thống và tinh thần mà mình muốn truyền tải”, chàng trai chia sẻ.
Kinh tế là khó khăn lớn nhất
Đam mê thiết kế từ nhỏ nhưng hiện là sinh viên khối ngành dịch vụ, Đức Lương cho biết, cậu luôn khao khát theo học ngành thời trang. Điều kiện kinh tế không cho phép nên nam sinh chọn ngành Quản trị khách sạn để chắc chắn hơn về tài chính cũng như tương lai của gia đình và bản thân.
“Bố mẹ từng phải vay ngân hàng khoản tiền lớn để tôi được tiếp tục theo đuổi giảng đường đại học”, chàng trai kể.
Bên cạnh đó, anh chàng cũng có cho mình một việc làm bán thời gian với mức thu nhập vừa đủ để có thể tự chi trả cho kinh phí thiết kế trang phục. Bận rộn với nhiều công việc khác nhau nên cậu không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân. Một giấc ngủ đủ dần trở thành thứ xa xỉ đối với chàng trai Gen Z (những người sinh năm 1997-2012).
Lương nhớ lại lời mẹ dặn dò mà nghẹn ngào: “Mẹ nói thích gì cũng được, làm gì cũng phải nỗ lực nhưng luôn nhắc nhở tôi đừng vì mải lăn lộn tìm kiếm cơ hội mà quên mất bản thân”.
Ngoài giải thưởng thiết kế, Đức Lương có thành tích học tập ấn tượng và sự năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa.
Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh cả về mặt hình ảnh lẫn nội dung truyền tải, Đức Lương phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Mỗi bộ thường mất khoảng hơn 6 tháng, có những bộ còn được đặt bút 4-5 năm về trước.
Khó khăn lớn nhất nam sinh phải đối diện là tài chính chưa dư dả. Chi phí trung bình cho một trang phục thiết kế không cố định, thường dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Con số đó không hề nhỏ với một sinh viên như cậu nhưng cũng không quá lớn đối với việc làm “sống lại” các giá trị văn hóa dân tộc.
“Mỗi thiết kế tôi thường tái sử dụng cườm, kim tuyến, vật liệu may… Khi cuộc thi hay đêm diễn kết thúc, tôi luôn nán lại để lượm những phụ kiện bị rơi. Để duy trì được tình yêu với nghề, kinh tế là điều hết sức quan trọng”, cậu nói.
Nam sinh HUTECH nhận giải “Trang phục truyền cảm hứng” tại cuộc thi Trang phục dân tộc “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023”.
Được hỏi về những áp lực khi là nhà thiết kế thế hệ mới, Đức Lương cho biết, đây chính là cơ hội được phát triển tốt nhưng đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
“Cá nhân tôi nghĩ đó là thách thức mình phải vượt qua để đứng vững với nghề. Thay vì sợ sệt, tôi trau dồi và thử nghiệm để không ngừng làm mới bản thân”, anh chàng bày tỏ.
Chia sẻ về mong muốn trong tương lai, Lương dự định mở một phòng trưng bày áo dài truyền thống Việt Nam để quảng bá văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Ngọc Lan
Ảnh: NVCC