Ngày 15/5, anh N.T.T.P. (ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM), nam shipper (tài xế giao hàng) nhảy cầu vì quá áp lực, vẫn đang được theo dõi, điều trị ở bệnh viện.
Vợ anh P., chị T.T.M.H., cho hay dù bị thương nặng nhưng anh P. vẫn luôn tỉnh táo, có thể nói chuyện, giao tiếp bình thường với người xung quanh.
Chị H. chia sẻ, kể từ khi chồng gặp nạn, chị liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi thăm từ người thân, bạn bè và cả những người xa lạ. Trong đó, cả những cư dân sống tại chung cư mà anh P. thường tới giao hàng cũng thường xuyên gọi điện cập nhật tình hình sức khỏe của anh.
Anh P. cũng vừa được các mạnh thường quân chung tay đóng góp, hỗ trợ số tiền hơn 165 triệu đồng.
“Lúc anh nằm ở phòng cấp cứu, tôi đã cổ vũ anh rất nhiều. Tôi cho anh xem những lời động viên, khiến cho anh xúc động, chảy nước mắt. Anh thấy bản thân được nhiều người yêu thương, quan tâm nên rất hối hận về hành động lúc bế tắc ấy và muốn làm lại cuộc đời mới.
Sau lần sống sót khó tin này, anh sẽ sống tích cực hơn, cố gắng nhiều hơn để lo cho bản thân và gia đình. Bản thân tôi cũng xúc trước lời động viên của tất cả mọi người”, chị H. bộc bạch.
Chị H. cho biết đang hoàn tất các thủ tục ở nơi công tác để được nghỉ phép sớm, trở lại bệnh viện thay mẹ chăm sóc chồng.
Được biết, anh P. làm nghề giao hàng hơn 2 năm qua, chị H. làm giáo viên. Hai vợ chồng dù không dư giả, giàu có, nhưng thu nhập vẫn đủ sức nuôi 2 con nhỏ. Thế nhưng, thời gian gần đây, anh P. được xác định có khối u, phải vay nợ bên ngoài để phẫu thuật với chi phí khoảng 40 triệu đồng.
“Làm shipper không có bảo hiểm nên chúng tôi phải trả rất nhiều tiền khi anh đau bệnh, nằm viện. Phẫu thuật xong, chồng tôi không thể đi làm nên ở nhà một thời gian. Chẳng những không trả được nợ, anh còn phải vay thêm để có tiền lo cho gia đình. Khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con, nhanh chóng tăng lên đến vài trăm triệu đồng”, chị H. nói.
Đến khi đi làm trở lại, thu nhập ít ỏi cũng không giúp anh P. trả nổi số nợ. Hằng ngày, anh ra khỏi nhà từ 4h sáng, bắt đầu “cày cuốc” đến tối muộn mới về nhà.
“Chồng không kể nhưng tôi biết công việc của anh rất áp lực. Thu nhập từ công việc cũng không ổn định, tùy thuộc vào số đơn hàng giao thành công. Nhiều lúc còn bị “bom” hàng, chồng tôi phải rong ruổi ngoài đường cả ngày để giải quyết”, người vợ nghẹn lời kể bên giường bệnh của chồng.
Công việc mệt mỏi, thu nhập bấp bênh, nợ nần chồng chất, anh P. thấy bế tắc, đã dại dột là nhảy từ cầu Phú Mỹ xuống sông Sài Gòn, định từ bỏ cuộc sống. Trước khi nhảy xuống sông, anh đã gửi tin nhắn xin lỗi vợ, con và cố gắng hoàn thành nốt các đơn hàng trong ngày.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nam-shipper-nhay-cau-vi-qua-ap-luc-hoi-han-muon-lam-lai-cuoc-doi-20240515154858461.htm