Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: Reuters
Trước đó ngày 17/3, ICC ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova với các cáo buộc “trục xuất trái phép” trẻ em Ukraine khỏi “các khu vực bị chiếm đóng của nước này”.
Chính phủ Nga phản đối kịch liệt các cáo buộc này, đồng thời khẳng định việc này là nhằm sơ tán trẻ em khỏi những nơi bị quân đội Ukraine pháo kích, chủ yếu là tại khu vực Donbass có nhiều người nói tiếng Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố động thái mà ICC đưa ra là “không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin khẳng định Nga coi “bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Tổng thống Liên bang Nga là một hành vi xâm lược quốc gia”.
Nga hiện chưa phê chuẩn Quy chế Rome năm 1998 thành lập tòa án này ICC và cũng tương tự Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều không công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Trong khi đó, Nam Phi đã ký kết Quy chế Rome vào năm 2002 nên có nghĩa vụ thi hành các lệnh bắt giữ của ICC dưới tư cách một thành viên.
Nam Phi sẽ là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, trong đó các nhà lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới bao gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc… sẽ gặp nhau và thảo luận. Trong bối cảnh đó, RT trích dẫn phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi là ông Vincent Magwenya ngày 12/4 nhận định, lệnh bắt giữ ông Putin của ICC đã gây ra cản trở lớn đối với sự kiện này.
Trên thực tế, chính phủ Nam Phi cũng nhận thức được tình thế tiến thoái lưỡng nan mình đang gặp phải liên quan tới lệnh bắt giữ Tổng thống Nga. Kể từ khi quyết định này của ICC được ban hành, phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi hồi tháng 3 từng từ chối khi được hỏi về việc liệu chính quyền Pretoria có thực hiện theo lệnh hay không.
Về phía Tổng thống Nam Phi Ramaphosa, ngày 11/4 vừa qua, ông cho biết sẽ cử một phái viên tới Washington để làm rõ lập trường “không liên kết” của mình với cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.
Nam Phi và Nga là các đối tác thân thiết từ thời Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nam Phi hiện tại là Ramaphosa, quốc gia này không lên án chiến dịch quân sự của Nga đang tiến hành tại Ukraine và không áp đặt các lệnh trừng phạt với Moscow. Trong khi đó, quân đội nước này tham gia vào các cuộc tập trận chung với lực lượng Nga và Trung Quốc hồi đầu năm 2023.
Bản thân Nam Phi cũng có các vấn đề riêng với ICC. Cụ thể hồi năm 2017, quốc gia này từng bị Tòa án Hình sự Quốc tế lên án vì đã không bắt giữ cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir khi ông đến thăm Nam Phi năm 2015, để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Phi.
Sau vụ việc, các quan chức Nam Phi đã nộp đơn xin rút khỏi tòa án. Tuy nhiên, quyết định này sau đó đã bị đảo ngược do phán quyết của Tòa án tối cao xác định rằng một động thái như thế này là vi hiến.
Nguồn mekongasean