Trong ngày làm việc đầu tiên của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong vụ kiện, Nam Phi cho biết cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel có mục đích “hủy diệt dân số” tại Gaza.
“Ý định phá hủy Gaza được dung dưỡng ở cấp cao nhất của nhà nước”, Tembeka Ngcukaitobi, người đại diện cho Tòa Tối cao Nam Phi, nói trước tòa.
“Điều đó được thể hiện rõ qua cách thức tiến hành cuộc tấn công quân sự này”, ông Ngcukaitobi nói ngày 11/1.
Israel sẽ trình bày lập luận trước ICJ vào ngày 12/1. Nước này luôn mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc diệt chủng của Nam Phi, cho rằng chúng là vô căn cứ.
Israel phát động cuộc chiến tổng lực sau khi lực lượng Hamas tấn công vào ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người thiệt mạng, theo số liệu từ Israel.
Công ước Diệt chủng năm 1948, được ban hành sau vụ Đức Quốc xã thảm sát người Do Thái, định nghĩa diệt chủng là “những hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”.
Nam Phi từ lâu đã duy trì quan điểm ủng hộ người Palestine. Quan hệ giữa 2 bên được hình thành từ khi Tổ chức Giải phóng Palestine ủng hộ cuộc đấu tranh của Đại hội Dân tộc Phi, chống lại chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai.
Kết thúc phần trình bày, Nam Phi đề nghị tòa án đưa ra các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc chiến.
ICJ dự kiến có quyết định về các biện pháp khẩn cấp vào cuối tháng này, nhưng sẽ chưa đưa ra phán quyết về các cáo buộc diệt chủng. Quy trình tố tụng liên quan cáo buộc diệt chủng có thể mất nhiều năm.
Các phán quyết của ICJ có tính chung cuộc và không thể kháng cáo, nhưng tòa này không có thẩm quyền thi hành.
Israel khẳng định họ đang nhắm vào lực lượng Hamas chứ không phải người dân Palestine.
Phản ứng trước vụ kiện, Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc Nam Phi “đạo đức giả”.
Theo hồ sơ gửi tòa án, Nam Phi còn chỉ ra rằng, Israel đã không cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men và những hỗ trợ thiết yếu khác cho Gaza, nơi Hamas lên nắm quyền vào năm 2007.