Xuất khẩu nỗ lực trước những khó khăn
Năm 2023 được coi là năm cả nước vượt làn “gió ngược”. Ngành chủ quản đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động sang chủ động, sáng tạo tháo gỡ vướng mắc, chuyển từ “phòng ngự” chống đỡ sang “tấn công” đột phá.
Năm 2023 có 4 nhóm hàng xuất khẩu, thì duy chỉ có nhóm nông sản, thủy sản tăng trưởng, nổi bật là gạo và rau quả. Vai trò “trụ đỡ” của nông nghiệp ngày càng được khẳng định. Tuy vậy, phải khiêm nhường rằng, thành công đó có chút may mắn. Cung cầu gạo toàn cầu căng thẳng khác thường, xuất khẩu gạo của ta có thời điểm “một mình một chợ”. Rau quả được mùa, cửa khẩu thông thoáng, xe tải nặng hàng không còn cảnh “rồng rắn” ăn đợi nằm chờ nơi biên ải. Song vẫn chủ yếu xuất khẩu bằng hàng tươi sống. Nguồn lực và cơ sở hạ tầng còn không ít bất cập, đòi hỏi từ phía nhà nhập khẩu vẫn hết sức chặt chẽ.
Xuất khẩu thủy sản đứng đầu nhóm này, sụt 17,8%. Thẻ vàng IUU vẫn lơ lửng. Cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều… giá cả trồi sụt, nhu cầu thăng hạ, chất lượng chưa thật sự lột xác như mong đợi… Vì thế, không dễ gì năm nay nhóm nông, lâm, thủy sản tăng đột biến. Hơn nữa, nếu muốn nhóm này xuất khẩu tăng như năm 2023 ở mức 18,3%, thì kim ngạch cũng chỉ được 2 tỷ USD, không thể khuynh đảo tổng kim ngạch xuất khẩu.
Do đó, muốn làm ăn nên chuyện có lẽ phải nhằm vào “quả đấm thép” là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm thị phần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023 chỉ với 5 mặt hàng chủ đạo sụt so với 2022 là: gỗ, dệt may, da giày, điện thoại, máy móc dụng cụ đã chiếm tới 18,5 tỷ USD. Vậy, năm 2024 muốn nhóm này tăng, thì chí ít 5 “tên tuổi” trên phải quay lại mức năm 2022 cùng các mặt hàng khác chí ít phải nguyên vị.
Có lẽ lượng đoán được viễn cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách dù muốn nhóm chủ công này tăng 6,1% so với năm 2023, nhưng kim ngạch thực ra chỉ nhỉnh 800 triệu USD so với năm 2022. Suy tính đơn giản, song vào cuộc không dễ vì thiếu đơn hàng vẫn là nỗi lo.
Nhóm nhiên liệu khoáng sản trù tính tăng 400 triệu USD, song lại thua năm 2022 cũng 400 triệu USD. Khó khăn về thị trường xuất khẩu vẫn hiện hữu, nên dè đặt khi đặt mục tiêu xuất khẩu, nhất là với khách hàng số 1 là Hoa Kỳ năm 2024 tăng so với năm 2023 nhưng chưa bằng năm 2022. Như vậy, năm 2024 nếu nỗ lực tăng được 6%, thì thực sự chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn năm 2022 chút đỉnh (năm 2022 đạt 371,2 tỷ USD).
Mục tiêu xuất nhập khẩu 2024 thể hiện quyết tâm đẩy mạnh đà tăng trưởng
Năm 2024, tuy chưa đặt rõ mục tiêu như xuất khẩu, song vẫn muốn duy trì xuất siêu (dự kiến 15 tỷ USD), từ đây suy ra nhập khẩu phải đạt kim ngạch khoảng 360,8 tỷ USD, ngang năm 2022 (359,6 tỷ USD).
Xương sống là nhóm hàng cần nhập khẩu: 320 tỷ USD cao hơn năm 2022: 3,5 tỷ USD. Tạm xác định như vậy không phải do sản xuất không thể “tiêu hóa” được nguyên vật liệu, dụng cụ, phụ tùng mà vẫn lo vì không tự quyết được nguồn hàng nhập khẩu và khách hàng đặt mua bao nhiêu.
Nhóm cần kiểm soát nhập khẩu dù muốn đạt theo định hướng, nhưng vẫn buộc phải tăng vì nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn có hạn. Hàng nội dù được “ưu tiên”, song vẫn bị hàng ngoại lấn sân.
Tựu chung, năm 2022 xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, sang năm 2023 thấp dưới mốc đó. Vậy là năm 2024 dự định kim ngạch hai chiều là 736,6 tỷ USD, thực ra chỉ là vượt lại mốc 700 tỷ USD.
Theo đà phục hồi của năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu những ngày đầu năm 2024 khởi sắc. Xuất khẩu tháng 1.2024 đạt 33,5 tỷ USD, tăng 42% so với tháng 1.2023 và 6,7% so với tháng 12.2023. Các con số tương tự về nhập khẩu lần lượt là 30,6 tỷ USD, 33,3% và 4,2%.
Cùng với đó là sự khởi sắc của các doanh nghiệp với nhiều đơn hàng mới, tuyển dụng thêm lao động, nhiều công ty mới được thành lập. Dịp Tết, nhiều doanh nghiệp có xe đưa công nhân về quê ăn Tết và hẹn sẽ trở lại xưởng máy sau kỳ nghỉ.
Song, cũng trong những ngày đầu năm nay đã cho thấy không ít khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cước vận tải biển tăng đột biến, sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu vừa phục hồi mong manh. Nhu cầu của các nước nhập khẩu chưa hồi phục hẳn, cùng với nhiều thách thức khác ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nước ta.
Qua đó cho thấy, việc đặt mục tiêu xuất nhập khẩu cho năm 2024 là hợp lý, thể hiện quyết tâm ngăn chặn suy giảm, từ đó đẩy mạnh đà tăng trưởng, nói cách khác là “biết lượng sức mình, nhìn xa trông rộng”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, thiết nghĩa cần sử dụng một hệ các giải pháp tổng thể. Đó là, cần đa dạng hóa thị trường bằng cách đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác khác nhiều tiềm năng. Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng khai thác các cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Chú trọng phòng vệ thương mại trước xu hướng các đối tác gia tăng dựng rào cản đối với hàng xuất khẩu của ta, bảo đảm môi trường công bằng trong cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Cùng với đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến thương mại, chú tâm vào các đối tác lớn, địa bàn trọng điểm, tận dụng tối đa dư địa về xuất khẩu do các FTA mở ra. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tranh thủ những tín hiệu tốt từ phía Trung Quốc, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu với đối tác này. Nhanh nhậy nắm bắt diễn biến thương trường, kịp thời phản ứng bằng các chính sách.