Từ năm học 2024-2025, các kỳ thi và cách đánh giá kết quả học tập sẽ có những thay đổi so với năm học trước như tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp phổ thông và việc sử dụng kết quả học bạ…
Những quy định sẽ tác động mạnh đến dạy và học
Một trong những thay đổi tác động mạnh đến việc dạy và học đối với cấp THPT năm học tới chính là kế hoạch sửa đổi một số quy định về môn thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (các năm trước đều chỉ tính tỷ lệ 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12).
Cô Lê Thu Hà, giáo viên trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) cho biết, quy định sửa đổi này nếu áp dụng sẽ khiến học sinh thay đổi mục tiêu học tập bởi cách tính này yêu cầu học sinh phải đạt kết quả tốt trong cả 3 năm học THPT thay vì chỉ chờ đến năm lớp 12 mới cố gắng đạt điểm cao để phục vụ xét tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT giải thích, thay đổi tỷ lệ và thành phần kết quả học bạ THPT nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã công bố.
Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi thi hiện nay xuống còn 3 buổi thi với số môn thi chỉ còn 4 môn cũng giúp thí sinh giảm bớt áp lực, giảm chi phí cho các địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi.
Một điểm đáng chú ý nữa là Bộ GD&ĐT dự định sẽ bổ sung môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp). Đây là những môn thi lần đầu tiên được tổ chức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đối với đề thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT dự kiến bổ sung một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 01 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm), đồng thời tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn của kỳ thi.
Một điểm đáng chú ý nữa với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là Bộ GD&ĐT dự định thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.
Tuyển sinh đầu cấp theo chương trình mới
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh THCS học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp và chuyển cấp. Do vậy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các địa phương cũng sẽ thay đổi nhằm thực hiện theo yêu cầu, mục tiêu đánh giá của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn chỉ đạo thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, do vậy Hà Nội đã sớm công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi nhằm giúp học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 cũng như cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố có định hướng cụ thể để tổ chức dạy, học, ôn tập hiệu quả, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 THPT TP Hà Nội năm học 2025-2026.
Để giúp giáo viên, học sinh làm quen với cách thức thi, Sở đã yêu cầu tổ chuyên môn của các nhà trường nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp với từng môn học, trong đó lưu ý các dạng thức trắc nghiệm khách quan để học sinh lớp 9 làm quen.
Theo đó, các câu hỏi trắc nghiệm gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng); trắc nghiệm dạng đúng sai (mỗi câu hỏi 4 ý, tại mỗi ý lựa chọn đúng hoặc sai); trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Cũng bắt đầu từ năm 2025, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 cũng sẽ được yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Tiếp cận với cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, nhiều giáo viên nhận định, các đề thi minh hoạ được biên soạn rõ ràng, đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”, tạo sự đổi mới trong phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các đề tự luận phù hợp với thời lượng 120 phút/môn, trắc nghiệm phù hợp với thời lượng 60 phút/môn. Nội dung các đề trải nhiều mạch nội dung và đơn vị kiến thức của từng môn, tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nam-hoc-moi-2024-2025-nhieu-thay-doi-ve-thi-va-danh-gia-20240909140808855.htm