Thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản ghi nhận hơn 122.000 trẻ em sinh ra năm 2022 có bố trên 40 tuổi, gấp 1,4 lần thập kỷ trước.
Trong khi đó, số người làm bố ở độ tuổi 20 là hơn 190.000 chiếm 25%, chưa bằng một nửa so với 20 năm trước. Nhóm lớn nhất là ở độ tuổi 30 với gần 439.000 người, chiếm tỷ lệ 58%.
Con số phản ánh xu hướng kết hôn và sinh con muộn ở Nhật Bản. Theo thống kê, vào năm 1975, độ tuổi có con đầu lòng của nam giới Nhật vào khoảng 28,3. Nhưng ngưỡng này đã vượt quá 30 vào năm 1995 và đạt 32,9 vào năm 2022.
Tỷ lệ “độc thân trọn đời” chỉ những người không kết hôn trước tuổi 50 cũng tăng mạnh. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia, nhóm này có tỷ lệ nam giới là 12,6% vào năm 2000 nhưng đã tăng lên 28,2% sau 20 năm.
Yasuhiro Kozaki, giáo sư nghiên cứu chăm sóc trẻ của Đại học Osaka Kyoiku cho rằng người có thu nhập cao và ổn định có khả năng kết hôn nhiều hơn người có vị trí và thu nhập thấp trong xã hội. “Người Nhật vẫn mong muốn kết hôn nhưng gặp khó khăn về kinh tế”, ông nói.
Tháng 9/2023, tổ chức phi lợi nhuận Fathering Japan đã khởi động dự án Senior Papa với giúp đỡ và kết nối những người đàn ông lớn tuổi trở thành bố, trong bối cảnh tỷ lệ này đang tăng ở Nhật Bản. Senior papa được định nghĩa là những người đàn ông trên 45 tuổi và có con đang là trẻ sơ sinh.
Tetsuya Ando, giám đốc của Fathering Japan cho rằng những ông bố lớn tuổi thường không có ai để trò chuyện về các vấn đề làm cha nên dễ rơi vào trạng thái cô đơn.
“Cần tạo thêm nhiều không gian để họ có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau”, ông nói.
Ngoài ra, xu hướng này cũng đặt ra vấn đề con cái phải chăm sóc “kép” cho cha mẹ già, dù áp lực ở công sở vẫn không giảm đi theo từng năm.
Ngọc Ngân (Theo Mainichi)