Người dân xã Trực Cường (Trực Ninh) ứng dụng ngân hàng số để thanh toán.
Người dân xã Trực Cường (Trực Ninh) ứng dụng ngân hàng số để thanh toán.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G; đến năm 2030 phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Đồng thời cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số, trong đó nêu rõ: Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G. Việc thực hiện cắt sóng 2G trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ dẫn đến khoảng 379 điểm lõm sóng 3G, 4G; bán kính vùng lõm từ 150 đến 500m (trong đó nhiều nhất là huyện Hải Hậu với 65 điểm), ảnh hưởng đến chất lượng thông tin liên lạc của các thuê bao di động.

Nguyên nhân do sóng 2G có bước sóng dài hơn bước sóng 3G/4G/5G (phạm vi phủ sóng của trạm 5G chỉ được 20 đến 100m trong khi với các trạm 2G/3G/4G do sử dụng băng tần thấp có thể phủ sóng trong phạm vi 2 đến 15km) nên khi tắt sóng 2G sẽ xuất hiện nhiều vùng lõm sóng hơn.

Đồng thời, việc toàn bộ thiết bị 2G đang dần chuyển sang sử dụng sóng 4G/5G sẽ khiến cho lưu lượng sử dụng sóng cao hơn. Do đó việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trạm thu phát sóng 4G/5G đang là vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để không bị gián đoạn thông tin, ảnh hưởng việc làm, đời sống của người dân cũng như đến lộ trình CĐS trên địa bàn.

Để nhanh chóng khắc phục vùng lõm sóng, 6 tháng đầu năm 2024 Sở TT và TT đã thẩm định, chấp thuận 131 vị trí xây dựng các trạm BTS cho 3 doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh là (VNPT, Viettel, Mobifone); lồng ghép, đưa nội dung tuyên truyền về phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng BTS, vào các hội nghị nâng cao kỹ năng số cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Sở cũng chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng trạm BTS nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân; quan tâm, đầu tư xây dựng trạm BTS phủ sóng thông tin di động 4G, 5G nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phục vụ đắc lực nhiệm vụ phòng chống thiên tai và an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động xây dựng kế hoạch tập trung bổ sung thiết bị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu phát sóng 4G/5G để đảm bảo cung cấp dịch vụ và đáp ứng tốt nhất về mạng di động 4G/5G. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã và đang triển khai xây dựng 57/131 vị trí đạt 43,5% kế hoạch; nâng tổng số trạm BTS hiện có là 1.804 vị trí.

Trong đó, có 234 trạm xây dựng trên đất công (trụ sở các sở, ngành, UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn) còn lại chủ yếu hợp đồng với các hộ dân, doanh nghiệp thuê đất có thời hạn để dựng nhà trạm. VNPT Nam Định đang quản lý 619 trạm BTS hiện có trên mạng (519 trạm Macro, 100 trạm Remote và Smallcell).

Năm 2024 dự kiến đầu tư, phát triển mới 81 trạm BTS trong đó 45 trạm Macro và 36 trạm Remote sector và khoảng 50 trạm 5G. Trong đó 7 tháng đầu năm đã xây dựng và phát sóng được 16 trạm (13 trạm Macro, 3 trạm Remote). Ngoài ra VNPT Nam Định đã triển khai hợp tác Moran với Mobifone 15 trạm.

Thời gian tới, VNPT Nam Định tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nhà trạm phát sóng, đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Viettel Nam Định có 107 điểm lõm sóng. Dự kiến sẽ phát triển 107 trạm phát sóng 4G và 227 trạm phát sóng 5G.

Mặc dù ngành chức năng và các doanh nghiệp viễn thông đều nỗ lực nhưng kết quả xây dựng trạm BTS vẫn còn gặp khó khăn do người dân dựa vào lý do sóng điện từ trường của trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe để khiếu kiện, ngăn cản việc xây dựng.

Mặc dù Bộ TT &TT khẳng định các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy các tín hiệu tần số vô tuyến từ các trạm BTS và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp viễn thông khi khởi công xây dựng trạm BTS đều được kiểm định hợp chuẩn đối với thiết bị công trình trạm thu phát sóng thông tin di động. Tất cả các thiết bị trạm gốc GSM, thiết bị quang, viba của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi nhập khẩu về Việt Nam đều đã được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận hợp quy. Công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo chất lượng công trình trạm BTS hàng năm đều được duy trì tốt. Bên cạnh đó cũng còn một số vướng mắc về điều kiện xây dựng trạm BTS.

Trước sự cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm BTS phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và công cuộc CĐS của tỉnh, thời gian tới, Sở TT & TT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định cùng doanh nghiệp viễn thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển trạm BTS, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đối với một số vướng mắc liên quan đến điều kiện lắp đặt trạm, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Nam Định để thống nhất ý kiến trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, để thị trường viễn thông phát triển bền vững và hài hòa, doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh các vị trí trạm BTS có tọa độ không phù hợp với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông theo định hướng quy hoạch đến năm 2025. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

 Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)