ThS Phạm Thị Uyển Nhi, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết thời tiết Nam Bộ nắng nóng cũng là thời điểm các bệnh về da tăng cao. Hằng ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận gần trăm bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng da đến khám.
Những bệnh nhân này bị các bệnh như viêm da nhiễm trùng, nhọt, chốc lây, nấm da, lang ben, viêm mô tế bào… Ngoài ra, còn có các bệnh khác xuất hiện trong mùa nắng nóng như rám má, tàn nhang.
Theo bác sĩ Uyển Nhi, có nhiều nguyên nhân khiến mọi người dễ bị mắc các bệnh về da trong mùa nắng nóng. Cụ thể, tia UV trong ánh nắng Mặt trời là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về da, bao gồm cháy nắng, lão hóa da, nám da, ung thư da.
Tia UV có thể phá hủy cấu trúc collagen và elastin trong da, khiến da trở nên nhăn nheo, chảy xệ và kém đàn hồi. Tia UV cũng có thể kích thích sản sinh melanin, dẫn đến tình trạng nám da, tàn nhang.
Khi thời tiết nắng nóng, mồ hôi sẽ bị tiết ra nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra các bệnh da liễu như mụn nhọt, viêm da, hăm da. Mồ hôi cũng có thể làm da mất đi độ ẩm, khiến da trở nên khô rát, ngứa ngáy.
Những loại côn trùng như muỗi, kiến, ong… cũng hoạt động mạnh trong mùa nóng, gây ra các vết ngứa, sưng tấy, gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng.
Cũng do thời tiết nắng nóng nên nhiều người có xu hướng sử dụng nhiều kem chống nắng, kem dưỡng da, mỹ phẩm làm da bị bí bách, dễ nổi mụn và kích ứng.
Bác sĩ Uyển Nhi lưu ý khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, nên đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Không nên tự ý chẩn đoán, điều trị vì có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Trong những ngày nắng nóng này cần giữ cho da luôn sạch sẽ và khô ráo. Nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với loại da và tình trạng da. Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa chất kích ứng da như cồn, hương liệu, paraben. Bảo vệ da khỏi ánh nắng Mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Bên cạnh đó, cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây. Uống đủ nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, stress.
Không gãi hoặc chà xát vào vùng da bị tổn thương. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng da, mặc áo quần khô thoáng, vệ sinh sạch sẽ khi cơ thể ra nhiều mồ hôi.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời
Hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt là vào giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi ra ngoài, cần che chắn da cẩn thận bằng quần áo, mũ rộng vành, kính râm. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
Tắm rửa thường xuyên bằng nước mát, không nên tắm nước quá nóng. Sử dụng các sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh. Lau khô da sau khi tắm và thoa kem dưỡng ẩm để giữ da mềm mại.