Bất động sản 2023: Đi lên từ vùng đáy
Thị trường địa ốc đã trải qua một năm đầy khó khăn và thử thách. Trải qua 2 năm bấp bênh do đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc trở lại và giao dịch sôi động như giai đoạn trước dịch.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề đến từ môi trường kinh doanh, nguồn vốn, pháp lý, quỹ đất,… đã khiến năm 2023 thị trường bất động sản diễn biến không triển vọng như mong đợi.
Báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố hồi tháng 6/2023, đơn vị này so sánh các doanh nghiệp bất động sảnhiện nay đang như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để “ngoi lên”.
Đồng thời, báo cáo cũng từng đưa ra dự báo nếu khó khăn còn tiếp diễn, khoảng 23% doanh nghiệp bất động sản không thể duy trì hoạt động đến hết quý III và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Tính đến hiện tại, những con số đã dần nói lên thực trạng kém sáng của thị trường. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, cả nước có 4.312 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247.054 tỷ đồng, tương đương chỉ bằng 52,6% và 57,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 1.160 doanh nghiệp, tương ứng tăng 107,3% so với cùng kỳ. Đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, tính đến ngày 20/11, ngành kinh doanh bất động sản thu hút hơn 2,87 tỷ USD nguồn vốn FDI, giảm 31,4% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về thực trạng trên với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS nói rằng “rất buồn” khi chứng kiến trong vòng hai quý đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp cũng như môi giới bất động sản rời khỏi thị trường.
“Sang tới quý III/2023, sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc dù đã có dấu hiệu khả quan hơn, song bình quân mỗi tháng vẫn có hơn 100 doanh nghiệp rời khỏi thị trường”, ông Đính nói.
Dẫn báo cáo của VARS, ông Đính cho hay tính đến cuối năm 2023, đã có đến 70% môi giới bất động sản chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành trong thời gian gần đây. Trước đó, số lượng môi giới bất động sản hoạt động trong lĩnh vực này đạt khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, do tác động của biến động thị trường, hiện chỉ còn khoảng 100.000 người tiếp tục hoạt động.
Doanh nghiệp phải tự tìm cơ hội trong nghịch cảnh
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, ngay trong những tháng cuối năm, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), sắp tới có thể là Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được thông qua trong năm 2024.
“Điều này chưa từng có khi cả 3 luật quan trọng liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua gần như cùng 1 thời điểm, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến lớn”, ông Lực nhận xét.
Dù vậy, ông Lực cho rằng thị trường bất động sản thời gian tới vẫn phải đối diện với nhiều thách thức tiềm tàng như vấn đề kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm gây ảnh huởng trực tiếp đến đất nước mở cửa hội nhập mạnh như Việt Nam.
Dù mặt bằng lãi suất giảm nhưng về cơ bản vẫn còn neo ở mức cao, rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế tăng, tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Trong khi đó, giải ngân Chương trình phục hồi 2022 – 2023 và đầu tư công hiện chưa đồng đều, doanh nghiệp bất động sản vẫn đang “ngập” trong khó khăn về pháp lý, dòng tiền, nhân sự…
Ngoài ra, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp – nguồn vốn mạnh mẽ “tiếp sức” cho bất động sản đến nay vẫn cần rất nhiều thời gian để xử lý, lành mạnh hoá. Dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh, trong năm 2024 sẽ có khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Theo đó, ông Lực cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải “chấp nhận” và “quyết tâm”.
Thứ nhất, chấp nhận giảm giá bán bất động sản, đa dạng hoá nguồn vốn, mở rộng thị trường và phân khúc để giảm bớt rủi ro, chủ động tiếp cận và thực thị các luật liên quan (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…).
Thứ hai, quyết tâm cơ cấu lại nhân sự, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỉ giá và chuẩn bị phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm tới.
Dự báo về tương lai, Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng trong năm 2024, dự kiến thị trường bất động sản sẽ mở ra nhiều cơ hội mới khi các vấn đề hiện hữu cơ bản được giải quyết.
Do đó, doanh nghiệp bất động sản cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, chủ động bám sát diễn biến thị trường để “trở mình” đúng lúc.
Trong thời gian tới, ông Đính nhận xét giá cả bất động sản sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung – cầu nhưng chắc chắn thị trường sẽ có thêm nhiều những dấu hiệu “ấm lên”.
“Từ quý III/2023, thị trường bất động sản đã phát đi nhiều tín hiệu đáng mừng, từ đó tạo động lực cho thị trường bất động sản quý IV/2023 và quý I/2024 có cơ hội hồi phục rõ nét hơn”, ông Đính nhìn nhận.
Quyết liệt thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh
Tại Công điện số 1376 ngày 17/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng kiên quyết xử lý trường hợp gây phiền hà chậm trễ cho doanh nghiệp bất động sản; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp khả thi triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), thành lập ngay các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra chậm trễ tiến độ các dự án đầu tư…