(QNO) – Sáng nay 22/4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài được tổ chức tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương và 80 điểm cầu tại nước ngoài. Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang. Ở điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham dự.
Tháo gỡ vướng mắc, nắm bắt cơ hội đầu tư
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, hội nghị khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài. Khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế và được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá toàn diện tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thảo luận và nhận diện những cơ hội, thách thức, khó khăn để đưa ra các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia. Thêm vào đó là khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng đang diễn biến phức tạp… Những yếu tố này đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu. Mặt khác, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất.
Ngân hàng Thế giới dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 1,7%, thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Trong khi đó, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo đà phục hồi của dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài sẽ chững lại kể từ giữa năm 2022 và có thể giảm hoặc đi ngang trong năm 2023 so với mức phục hồi tích cực của năm 2021. Do đó, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Vai trò của doanh nghiệp FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện nay phát triển mạnh mẽ, trở thành khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Nam. Trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án: thành lập các tổ công tác để hỗ trợ triển khai các dự án, đặc biệt là dự án quy mô lớn; thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đẩy mạnh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng; hằng tháng, lãnh đạo tỉnh tổ chức tiếp doanh nghiệp để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư nắm bắt, tìm hiểu.
Với sự nỗ lực của Quảng Nam trong việc huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn đầu tư, kinh doanh tại vùng đất này và Quảng Nam dần trở thành là địa điểm đầu tư hấp dẫn trên bản đồ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp, trong đó có dưới 10 doanh nghiệp FDI với vốn đăng ký đầu tư dưới 20 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 194 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,06 tỷ USD tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch – dịch vụ,…
Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 870,2 triệu USD; Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, công tác quản lý nhà nước đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh và dễ dàng với các thông tin về quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Quảng Nam đã hệ thống hóa quy trình đầu tư để hướng dẫn cho doanh nghiệp. Quá trình soạn thảo, ban hành cơ chế chính sách từng bước công khai, minh bạch; bảo đảm tính phù hợp, tính kịp thời và thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc ban hành triển khai pháp luật, cơ chế quản lý đầu tư đối với FDI.
Tương tác tích cực và quan tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp doanh nghiệp để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh đã quan tâm cải tiến quy trình thẩm định, cấp và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với thời gian thẩm định và cấp giấy phép hợp lý; ban hành quy định về cơ chế liên thông trong việc thẩm định đầu tư, giảm 10% thời gian so với quy định.