Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm 19 thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu Xuất nhập khẩu hàng hoá 8 tháng đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% |
TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương |
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các chỉ số vĩ mô 8 tháng đầu năm, đặc biệt là các chỉ số của ngành Công Thương như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu?
8 tháng đầu năm 2024, về tổng quan, các chỉ số vĩ mô đều tăng trưởng tương đối khả quan như sản xuất công nghiệp 8 tháng ước tăng 8,6%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 16,7%. Sản xuất công nghiệp tăng và xuất nhập khẩu hoạt động theo quy tắc “bình thông nhau”, nên xuất nhập khẩu tăng giúp sản xuất công nghiệp cũng tăng cao.
Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu hiện nay, nhóm nông sản và khoáng sản chỉ chiếm 12%; nhóm công nghiệp chiếm trên trên 88%. Như vậy, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng cao. Điều này phản ánh đúng với những mục tiêu mà các chiến lược, kế hoạch xuất nhập khẩu đề ra.
Đáng chú ý, nhập khẩu hàng hoá 8 tháng tăng đến 17,7%. Dù nhập khẩu gia tăng nhưng đây lại là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế khi lượng hàng hoá nhập khẩu về chủ yếu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đó là lý do khiến kim ngạch nhập khẩu hàng hoá gia tăng, song cả nước vẫn xuất siêu đến 19,07 tỷ USD sau 8 tháng (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD).
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng |
Sản xuất nông nghiệp cũng đang có nhiều dấu hiệu khả quan, dù biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam có nguồn nông sản dồi dào phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh giá xuất khẩu đang tăng cao.
Ngoài kết quả của ngành Công Thương, có nhiều chỉ số khá lạc quan của nền kinh tế trong 8 tháng qua. Cụ thể, lần đầu tiên, trong tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp rời thị trường (13,4 nghìn doanh nghiệp so với hơn 5,3 nghìn doanh nghiệp). Tính chung 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động sau 8 tháng cả nước có hơn 57,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2024 lên gần 168,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đây là tín hiệu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang dần tốt hơn, tín hiệu thị trường sáng sủa hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hoạt động tốt hơn.
Thu chi ngân sách nhà nước cũng khả quan khi mức thu ngân sách tăng 17,8%, chỉ tăng 1,9%, tạo nguồn ngân sách dồi dào cho nền kinh tế. Việc thu thuế tăng cao là sự nỗ lực của toàn ngành thuế, là nguồn lực giúp tăng trưởng kinh tế trong những tháng tiếp theo.
Như vậy, các chỉ số nhìn chung sau 8 tháng là tương đối tốt, tích cực.
Vậy còn những chỉ số nào vẫn chưa đạt yêu cầu sau 8 tháng đầu năm, thưa ông?
Tôi cho rằng, chỉ số tăng trưởng tín dụng là chưa đạt yêu cầu, sau 8 tháng mới tăng trưởng khoảng 8%, trong khi mục tiêu cả năm là tăng trưởng 15%. Hy vọng con số này sẽ đạt được trong 4 tháng nữa.
Bên cạnh đó, chỉ số giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa đạt như yêu cầu. Nguyên nhân do lượng vốn giải ngân lớn nên dù có nhiều nỗ lực, nhiều chỉ đạo song việc giải ngân chưa đạt được như yêu cầu.
Thưa ông, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau 8 tháng mới đạt tăng trưởng 8,5%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra cho cả năm nay là tăng 9%. Theo ông, lý do gì tổng mức bán lẻ hàng hoá lại có sự tăng trưởng chậm lại và mục tiêu năm nay liệu có đạt được không?
Ngoài giai đoạn dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10-11% thì vài năm trở lại đây, chỉ tiêu này có tốc độ tăng chậm lại.
Nguyên nhân là bởi, 8 tháng đầu năm nay, yếu tố tác động mạnh nhất đến tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu du lịch lữ hành.
Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tám tháng năm 2024 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành tám tháng năm 2024 ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, 2 chỉ số này chỉ chiếm khoảng hơn 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá chiếm đến 77,1% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì chỉ tăng 7,3%. Đây là chỉ số quan trọng vì liên quan đến đầu ra hàng hoá của doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, là thước đo thu nhập, tiêu dùng của người dân, thì có mức tăng khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm là mùa mua sắm, tiêu dùng mạnh. Bộ Công Thương, các địa phương cũng đang đẩy mạnh thúc đẩy tiêu dùng, khuyến mãi kích cầu nên tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể đạt được 9% như mục tiêu đặt ra.
Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, ông kỳ vọng gì về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025?
Do Việt Nam là nền kinh tế mở nên triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. Hy vọng trong năm 2025, kinh tế thế giới sẽ có bước chuyển khi lạm phát các nước giảm, lãi suất giảm, tình hình trở nên sáng sủa hơn.
Tôi nghĩ triển vọng này là khá sáng sủa vì các nước cũng cần các giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng sau một thời gian đóng băng. Cho nên nếu không có những biến động quá bất thường xảy ra, các nước sẽ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Theo tôi, năm 2025, nền kinh tế sẽ duy trì được sự tăng trưởng. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và GDP sẽ cùng tăng, ít nhất là sẽ bằng, nếu không sẽ vượt kết quả của năm 2024.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/nam-2025-san-xuat-cong-nghiep-xuat-nhap-khau-va-gdp-co-the-vuot-nam-2024-344032.html