Ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định ngành Công nghệ thông tin Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng, vì chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước. Trong đó, chuyển đổi số là phần việc quan trọng trong cải cách hành chính.
“Việc đi tắt, đón đầu để xóa khoảng cách với các nước phát triển chỉ có thể thực hiện bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách. Theo đó, Bộ TT&TT ngoài việc xây dựng được thông tư, nghị định, sửa đổi các nghị định cũ không còn hợp lý, thì các nghị định, quy định mới, cần phải làm nhanh, khẩn trương, và phải chuẩn mực.
Báo cáo tổng kết công tác thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đã đạt được những kết quả tích cực.
“Đến nay, chúng ta đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Truyền thông, báo chí tiếp tục góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động.
Phổ cập hạ tầng số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng tính toán và hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ.
Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
“Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2024 cũng là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, với nhận thức Thắng – Bại thông qua không gian mạng.
“Nhiệm vụ này vừa bảo đảm chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam”, Bộ trưởng cho hay.
Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.
Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm và có xu thế thoái thác. Và hiện nay AI đã có thể làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều.
“Nhiều cán bộ công chức hiện nay sợ trách nhiệm, không dám làm, một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định của pháp luật. Một nền tảng làm việc số thông qua một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức thì ít nhất 70-90% công việc có quá nhiều dữ liệu sẽ được trợ lý ảo xử lý. Như vậy, năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng và công việc của con người cũng sẽ thú vị hơn vì được tập trung vào những việc sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Hoà Giang