Tổng kinh phí chi R&D quốc gia chiếm 0,42% GDP
Theo kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống GDĐH Việt Nam trong những năm vừa qua có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định, trong đó các cơ sở GDĐH cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.
Kết quả công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua như sau:
Theo Cục Thông tin KHCN quốc gia (2021), tổng kinh phí chi R&D quốc gia chiếm 0,42% GDP, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 30,9%. Khối GDĐH chiếm 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (FTE) của cả nước và 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ của cả nước.
Về số bài báo công bố trên các ấn phẩm Scopus trong 3 năm từ tháng 01.2022 đến hết tháng 07.2024, chỉ tính riêng 67 cơ sở GDĐH có số lượng công bố nhiều nhất đã chiếm 83,5% số bài của cả nước.
Tuy nhiên, kinh phí R&D chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí R&D quốc gia, đạt xấp xỉ 2.434 tỉ đồng hay 97,3 triệu đồng trên FTE (so với 476 triệu đồng trên FTE của toàn hệ thống).
Mở các đề tài nghiên cứu về Toán học
Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm học 2023-2024, Bộ GDĐT đã mở các đề tài nghiên cứu về Toán học nhằm mục tiêu: Hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án về Toán học, Toán ứng dụng, mô hình và phương pháp giáo dục Toán học hiện đại.
Theo đó là, đề tài KHCN cấp bộ thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Đề tài thực hiện Chương trình phát triển Vật lý theo Quyết định 1187/QĐ-TTg về phát triển Chương trình Vật lý giai đoạn 2021-2025; Đề tài thực hiện Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển (Chương trình 562): Theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay, đề tài cấp Bộ được Bộ GDĐT duy trì thường xuyên trong những năm qua nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của của các cơ sở GDĐH, bên cạnh những giá trị về khoa học và thực tiễn, đề tài cấp bộ còn thu hút số lượng lớn cán bộ của cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần hỗ trợ nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ, sinh viên được tham gia.
Theo đó, tất cả các đề tài được phê duyệt có sản phẩm công bố quốc tế ISI, Scopus, ACI, và công bố trong nước trên các tạp chí khoa học trong danh mục tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đào tạo sau đại học, khuyến khích các sản phẩm ứng dụng chuyển giao, đăng ký tài sản trí tuệ, được Bộ GDĐT đặt hàng rõ ràng về sản phẩm, kinh phí, thuận lợi cho việc dự toán, quyết toán, đánh giá nghiệm thu. Năm 2023, Bộ GDĐT phê duyệt và giao thực hiện 295 đề tài cấp bộ.
Năm 2023, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 4555/QĐ-BGDĐT ngày 28.12.2023 ban hành Quy định thưởng cho công bố khoa học có giá trị, sáng chế, giải pháp hữu ích và giống cây trồng trong các cơ sở GDĐH trực thuộc.
Theo đó, có 27 Giải pháp hữu ích, 25 sáng chế và 2211 bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science, được tổ chức Scimago xếp hạng Q1,2 thuộc 32 cơ sở GDĐH trực thuộc bộ.
Bộ GDĐT cũng đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ thức khen thưởng các công trình Toán học xuất sắc trong lĩnh vực Toán học năm 2023; có 35 công trình được trao tặng Giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc năm 2023, trong đó 05 Giải nhất, 12 Giải nhì và 18 Giải ba.
Tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên được Bộ GD-ĐT xác định là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và hướng nghiệp. Các cơ sở GDĐH đã có nhiều hoạt động sinh viên NCKH, gắn nghiên cứu với hoạt động đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên tham gia NCKH chiếm 30-35% trong tổng số sinh viên ở các trường đại học, tập trung chủ yếu là sinh viên năm thứ ba trở đi. Đối với giảng viên trẻ, nghiên cứu khoa học càng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên.
Việt Nam đã có 20 tạp chí được gia nhập danh mục của ACI
Ngày 10-12-2023, Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chính thức được ghi tên vào danh mục Scopus. Tạp chí JED là tạp chí thứ hai trong số tạp chí của các trường trực thuộc Bộ GDĐT gia nhập danh mục Scopus thành công.
Với việc tạp chí JED được gia nhập Scopus, từ nay các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có thể tham gia công bố tạp chí quốc tế tại JED, chứ không phải chỉ công bố tại các tạp chí quốc tế như trước đây.
03 tạp chí của các cơ sở GDĐH được gia nhập ACI năm 2024: Tạp chí khoa học của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn, Tạp chí khoa học của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2023, các đơn vị trực thuộc Bộ đã công bố 1.159 bài báo Q1, 1.052 bài báo Q2 trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; 3.244 bài báo trên tạp chí khoa học Scopus.
Năm 2024, Hệ thống ACI đã thông báo kết quả đánh giá tạp chí, Việt Nam có thêm 11 tạp chí được gia nhập hệ thống. Như vậy, tính đến tháng 12.2023, Việt Nam đã có 20 tạp chí được gia nhập danh mục của ACI. Trong đó, có 4 tạp chí của ĐH Quốc gia Hà Nội là Tạp chí Toán Lý, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tạp chí Khoa học Y Dược; Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Trà Vinh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/nam-2024-lieu-viet-nam-co-vuot-moc-20-000-cong-bo-quoc-te–i383645/