Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo đạt khoảng 6-6,5%. Trong năm nay, các chính sách tài khóa, bao gồm tiền lương, miễn giảm các loại thuế phí sẽ tác động tích cực đến hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Tại diễn đàn Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” vừa được Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (9/1), các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, trong năm 2024 tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân dao động trong khoảng 4-4,5%.
Các dự báo trên được đưa ra trên cơ sở phân tích nhiều khía cạnh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở phạm vi toàn cầu, đồng thời căn cứ trên diễn biến thực tiễn tại Việt Nam sau khi kết thúc năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 5,1% thấp hơn so với mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đặt ra hồi đầu năm ngoái.
Các chuyên gia kinh tế nhận định và dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2024 tại Diễn đàn |
Tổng hợp những nhân tố có thể tác động lớn đến tổng cầu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2024, các nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu vẫn sẽ chưa quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước khi có đại dịch Covid-19. Các nước nghèo sẽ trở nên nghèo hơn với mức thu nhập thâm hụt ước khoảng 6,5%.
Trong năm 2024, các xung đột địa chính trị sẽ vẫn tiếp tục leo thang vừa phân mảnh vừa ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết nhiều khu vực trên thế giới sẽ khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng khá lớn đến lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tổn thất tài sản và gia tăng các chi phí bảo hiểm.
Riêng đối với Việt Nam, trong năm 2024 khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn kéo dài. Việt Nam cũng sẽ là một trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (GMT) chính thức áp dụng từ đầu năm nay.
Với những gam màu không mấy lạc quan như trên, các chuyên gia nhận định rằng trong năm nay nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được cơ quan điều hành theo hướng chủ động và thận trọng, đảm bao không quá áp lực với chỉ số lạm phát.
Trong khi đó, nhóm chính sách tài khóa sẽ có dư địa dồi dào để trở thành chìa khóa chủ đạo thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Cụ thể, “chính sách tiền lương được điều chỉnh sẽ tác động làm tăng đáng kể GDP. Đầu tư công trong năm 2024 cũng sẽ có sự tăng tốc. Việc hoãn thuế tạm thời, cắt giảm thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng và đăng ký ô tô cũng sẽ mang lại những tác động tích cực cho hộ gia đình và doanh nghiệp”, báo cáo nhận định.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2024 tình trạng khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể sẽ trở nên nghiêm trọng làm giá các loại năng lượng nhập khẩu tăng cao. Hiện Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng với mức nhập khẩu lớn các mặt hàng như than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng. Vì thế nếu không kịp thời có các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thì nên kinh tế sẽ đối diện với lạm phát năng lượng.
Riêng về mức độ lạm phát, hiện các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB đều dự báo trong năm 2024 tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ dao động khoảng từ 3-4%. Các chuyên gia cho rằng lực kéo lạm phát chủ yếu sẽ do chi phí đẩy. Trong khi đó lạm phát cầu kéo có thể phát sinh do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gây áp lực lên giá nguyên vật liệu xâu dựng. Nhu cầu tiêu dùng có thể tăng nhưng sẽ không đột biến đến mức gây áp lực mạnh lên giá cả.