Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước cho biết, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước.
Cần có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 125.800 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt.
Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 tỷ đồng so với hơn 208.000 tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế, như một số doanh nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao; một số hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.
Cùng với đó, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu chưa đạt yêu cầu; chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen…).
Để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Song song, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng nêu, để các doanh nghiệp Nhà nước phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp. Trong đó, cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước…
Bộ KH-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp Nhà nước.
Về phía các DNNN, Bộ trưởng cho rằng, cần bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng tiên phong đi đầu trong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Năm 2024: 5G phủ sóng toàn quốc
Tại hội nghị, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, năm 2024, Viettel sẽ mạnh dạn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số…
“Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi mà tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Năm nay chúng tôi sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc. Tập đoàn sẽ đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu vùng xa”, ông Thắng nêu.
Theo ông Thắng, việc này rất cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, UBND tỉnh, huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, để người dân thấu hiểu, đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi từ 2G đến 4G.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt, đặc biệt là đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).
EVN cũng đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102.000 tỷ đồng (tăng 11.000 tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, tập trung cho các công trình trọng điểm như dự án thủy điện Yaly mở rộng – 360MW (vận hành tháng 6-2024), Hòa Bình MR – 480 MW (6-2025), Quảng Trạch 1 (1403 MW), chuẩn bị đầu tư dự án nhiệt điện LNG Quảng Trạch 2, khởi công dự án Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bác Ái.
Đặc biệt, EVN dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km, tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng để đóng điện trước 30-6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
PHAN THẢO