Ông Lý Hoàng Chiêu – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, người phát ngôn UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 10.225 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa là 9,942 tỉ đồng. Ngoài ra, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 82.025 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đối với, kim ngạch xuất khẩu thực hiện 5,107 tỉ USD, khách du lịch đạt 1,4 triệu lượt khách tăng 67,8% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, địa phương cũng thu hút 22 dự án, tăng 5 dự án so với cùng kỳ, tổng số vốn thu hút đạt 20.000 tỉ đồng.
Theo ông Lý Hoàng Chiêu, năm 2023, tăng trưởng GRDP của Tiền Giang đạt 5,72%. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4.14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,75%, còn khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) tăng 6,64%.
Ông Lý Hoàng Chiêu cũng cho hay, hiện nay tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,6 ha. Trong đó, có 3 khu công nghiệp (KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang) đang hoạt động ổn định với diện tích 816,5ha, Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp đang chờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án chuyển giao có diện tích 285,4ha và Khu công nghiệp Bình Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Các khu công nghiệp còn lại đang mời gọi nhà đầu tư có tổng diện tích 770ha gồm: KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2.
“Theo kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công bố và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư. Ngoài ra, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu – cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phát triển 2 vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công. Đồng thời, hình thành, phát triển một số cụm công nghiệp ở những địa bàn có điều kiện” – ông Chiêu cho hay.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang Lý Hoàng Chiêu cũng thông tin thêm, trong năm 2024, Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, nhất là việc khai thác cát trái phép,….
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát phấn đấu Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.
Phát triển Tiền Giang là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Giai đoạn 2021 – 2030, Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0 – 8,0%/năm.
Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 41,5 -43,5%; ngành dịch vụ chiếm 29,5 – 30,0%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 21,5 – 23,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,5%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 – 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, tự cân đối thu chi ngân sách.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.