Trong năm 2023, các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương đã cho vay 22.300 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.050 tỷ đồng.
Tăng cho vay với khách hàng là hợp tác xã
|
Các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương đã cho vay 22.300 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.050 tỷ đồng. |
Thông tin trên được thông báo tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 25/12.
Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Qũy Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Nghị định số 45/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập (Quỹ Trung ương), trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Quỹ địa phương).
Đến thời điểm hiện tại, Quỹ Trung ương có tổng vốn hoạt động là 1.000 tỷ đồng. Với 50 Quỹ địaphương, tính đến 30/9/2023, tổng số vốn hoạt động là 2.596 tỷ đồng, vốn được ngân sách cấp 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác 1.541 tỷ đồng.
Trong đó, có 7/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động trên 50 tỷ đồng, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương. Có 16/50 Quỹ địa phương vốn hoạt động từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 21/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng (thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Nghị định 45/2021/NĐ-CP); 3/50 Quỹ địa phương có vốn hoạt động dưới 5 tỷ đồng (Điện Biên, Bắc Kạn, Gia Lai); 3/50 Quỹ hiện chưa được cấp vốn điều lệ để hoạt động (Tuyên Quang, Bến Tre, Thái Bình).
Như vậy, đối chiếu với mức vốn tối thiểu theo quy định của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP thì đến nay còn 27/50 Quỹ địa phương, chiếm 54% số Quỹ có vốn hoạt động dưới mức quy định.
Về tình hình cho vay, kể từ khi thành lập đến nay, ước tính đến hết năm 2023, Quỹ Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền ký hợp đồng cho vay đạt 1.157 tỷ đồng, giải ngân với số tiền 1.067 tỷ đồng. Dư nợ cuối năm ước đạt 518 tỷ đồng.
Đối với các Quỹ địa phương, ước đến hết năm nay đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỷ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt hợp tác xã; 2.200 lượt tổ hợp tác và 750.000 lượt thành viên hợp tác xã. Ước dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỷ đồng.
“Hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ; tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và an sinh xã hội tại các địa phương”, ông Phạm Công Bằng đánh giá.