Các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng đã tấn công châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ trong 3 tháng qua, gây tác động nặng nề đến nền kinh tế, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 là 16,77 độ C, vượt xa kỷ lục trước đó là 16,48 độ C vào năm 2019, theo báo cáo mới công bố của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU).
“Ba tháng mà chúng ta vừa trải qua là những tháng nóng nhất trong khoảng 120.000 năm, cũng tức là trong lịch sử loài người”, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nói với AFP.
Tháng trước là tháng 8 nóng kỷ lục trong lịch sử và có nhiệt độ trung bình cao hơn tất cả các tháng khác ngoại trừ tháng 7.2023.
“Tình trạng suy thoái khí hậu đã bắt đầu… Khí hậu đang suy thoái nhanh hơn mức chúng ta có thể ứng phó”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cùng ngày cảnh báo.
Cũng trong ngày 6.9, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khiến tuổi thọ con người suy giảm và gây tổn hại cho các dạng sống khác.
“Các đợt nắng nóng làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nông nghiệp và thực tế là cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố.
Khi thời tiết nóng hơn, kem chống nắng nào hiệu quả?
Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu cao kỷ lục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra sóng nhiệt trong suốt mùa hè, với các đợt nắng nóng tấn công Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
“Nhìn vào lượng nhiệt tăng thêm trên bề mặt đại dương, có khả năng năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận”, bà Burgess của C3S nói. Bà cho biết nếu Bắc bán cầu có mùa đông “bình thường”, “chúng ta gần như có thể nói rằng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất mà nhân loại từng trải qua”.