Hãng Reuters ngày 9.1 đưa tin Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết năm 2023 là năm nóng nhất trên trái đất với mức nhiệt tăng đáng kể.
Trước đó, các nhà khoa học đã dự báo về tình trạng trên, sau khi nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ. Năm ngoái, mỗi tháng từ tháng 6 đến tháng 12 đều ở mức nóng kỷ lục so với các năm trước đó.
“Đây là một năm rất đặc biệt, về mặt khí hậu… ở một mức độ riêng, ngay cả khi so sánh với những năm rất ấm áp khác”, Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói.
Khi đối chiếu với các bản ghi dữ liệu cổ về khí hậu từ các nguồn như vòng cây và bong bóng khí trong sông băng, ông Buontempo cho biết đây “rất có thể” là năm nóng nhất trong 100.000 năm qua.
Trung bình vào năm 2023, trái đất ấm hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900), do con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp, phát tán CO2 vào khí quyển.
Các quốc gia đã đồng ý trong Thỏa thuận Paris năm 2015 để cố gắng ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất.
Điểm nhấn từ thỏa thuận khí hậu lịch sử COP28
Giáo sư về biến đổi khí hậu Hayley Fowler tại Đại học Newcastle (Anh) cho biết năm kỷ lục 2023 nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động “cực kỳ khẩn cấp” để giảm lượng khí thải.
“Tốc độ thay đổi trong giới chính trị và ý chí thực sự về giảm phát thải khí nhà kính chưa theo kịp tốc độ thay đổi của thời tiết khắc nghiệt và tình trạng nóng lên”, bà cảnh báo.
Cùng với biến đổi khí hậu do con người gây ra, vào năm 2023, nhiệt độ còn tăng cao do hiện tượng thời tiết El Nino, làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương và góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.