Một trong những địa điểm “phải đến” trong hành trình tìm lại lịch sử về mối thâm tình Việt Nam-Thái Lan của du khách là bản Mạy. Nơi đây ghi dấu những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đất Thái lan. Tháng 7-1928, với bí danh Thầu Chín, Người đã đến Nakhon Phanom mở các lớp huấn luyện và giác ngộ thanh niên Việt kiều yêu nước.

Tại đây, Người đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Nachok (chó sói) thành bản Mạy có nghĩa là “Làng mới”, đánh dấu sự đổi mới ở làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Hiện vùng Đông Bắc Thái Lan có khoảng 80.000 người Việt, chiếm 80% người Việt sống tại Thái Lan. Người Việt sinh sống ở Nakhon Phanom nhiều nhất. Riêng bản Mạy có 118 hộ với gần 1.000 nhân khẩu thì có hơn 90% là người Việt.

Hướng dẫn viên Nguyễn Trung Hiếu, Công ty Cổ phần Flamingo Redtours chỉ cho du khách không gian của mái đình cong cong, cây trái sum sê để minh chứng về một làng quê Thái có nhiều người gốc Việt sinh sống. Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Làng Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngay tại bản Mạy là biểu trưng cho sự hợp tác, phát triển của hai dân tộc. Khu tưởng niệm gồm 12 hạng mục, trong đó, không gian nhà thờ tưởng niệm Bác được xây theo kiến trúc Việt Nam”.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom. 

Ở Nakhon Phanom còn có “Tháp Việt kiều lưu niệm dịp hồi hương”, được cộng đồng người Việt xây dựng vào năm 1960 với 4 mặt gắn đồng hồ, phần mái được thiết kế cong cong theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Ngày nay, ở Nakhon Phanom có rất nhiều di tích gắn liền với cộng đồng người Việt nhưng hầu như ai cũng muốn đến đây chụp ảnh, mua sắm và ngắm nhìn dòng sông Mê Công uốn lượn để thêm trân trọng về biểu tượng tuyệt đẹp của tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Nakhon Phanom còn có nhiều điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn khác. Đi thăm vùng đất này, ông Nguyễn Đình Thắng (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại thuở nhỏ cùng cha mẹ đi làm nông trên đất Thái Lan. Khi ấy, cha ông vì muốn theo cách mạng nên tìm cách đưa gia đình trở về Việt Nam. Những dấu ấn trên đất nước được ông cùng các anh chị em coi như quê hương thứ hai cứ ùa về sau mấy chục năm mới được trở lại. 

Bài và ảnh: BÍCH HUỆ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.