Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) gồm bốn nước đã khởi động đàm phán vào năm 2012. Quốc hội Na Uy đang phát đi các tín hiệu tích cực.
Từ ngày 20 đến 23-1, đoàn đại biểu Quốc hội Na Uy do bà Aslaug Sem-Jacobsen thuộc Đảng Trung tâm dẫn đầu sẽ đến thăm Việt Nam. Với thành phần bao gồm đại diện nhiều đảng có ghế tại Quốc hội Na Uy, đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam lần này có thể xem như tiếng nói của cơ quan lập pháp Na Uy.
Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn riêng với trưởng đoàn Aslaug Sem-Jacobsen xoay quanh hai lát cắt là đàm phán FTA giữa Việt Nam với EFTA và Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Na Uy là một bên tham gia.
* FTA giữa Việt Nam với khối EFTA gồm Na Uy vẫn chưa kết thúc đàm phán. Quan điểm của Quốc hội Na Uy là gì, thưa bà?
– Thương mại song phương Na Uy – Việt Nam đã tăng đều đặn trong 10 năm qua nhưng tiềm năng tăng trưởng hơn nữa là rất lớn. Đây là lý do tại sao Quốc hội Na Uy rất hoan nghênh một FTA toàn diện, hiện đại và đầy tham vọng giữa EFTA và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được đẩy nhanh và sớm kết thúc.
Việc ký kết một FTA với Việt Nam là ưu tiên của chính phủ chúng tôi và của Quốc hội Na Uy. Quá trình phê chuẩn tại Quốc hội Na Uy sẽ suôn sẻ và nhanh chóng ngay khi thỏa thuận được ký kết. Các cuộc đàm phán có sự ủng hộ hoàn toàn của Quốc hội chúng tôi.
Một FTA sẽ làm tăng tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Na Uy, đồng thời tạo ra một khuôn khổ lâu dài, ổn định và có thể dự đoán được cho hợp tác kinh tế rộng rãi. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho sự hợp tác mới và hiệu quả trong nền kinh tế xanh và kinh tế biển, có lợi cho cả hai đất nước.
Điều đáng tiếc là có vẻ như các cuộc đàm phán không đạt được nhiều tiến triển kể từ lần cuối các nhà đàm phán gặp nhau trong một vòng đàm phán đầy đủ vào năm 2018. Quốc hội Na Uy hy vọng rằng tình hình này có thể được đảo ngược và các cuộc đàm phán có thể được nối lại rất sớm.
Na Uy và EFTA sẵn sàng nối lại tiến trình khi cả hai bên đều có thiện chí tiến lên, với tham vọng ký kết một FTA hiện đại và toàn diện. Gần đây, EFTA đã ký kết một FTA với Thái Lan và hy vọng có thể kết thúc các cuộc đàm phán với Malaysia trước mùa hè năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia ASEAN duy nhất có nền kinh tế đáng kể không có thỏa thuận với EFTA. Chúng tôi hy vọng tình hình này sẽ sớm thay đổi khi một FTA với Việt Nam được ký kết trong tương lai gần.
EFTA đang ưu tiên phát triển quan hệ với ASEAN và các nước thành viên. Năm ngoái, một tuyên bố chung về hợp tác giữa ASEAN và EFTA đã được thông qua. Chúng tôi tin rằng việc ký kết các hiệp định thương mại với từng quốc gia ASEAN như Việt Nam là một bước quan trọng trên con đường hợp tác rộng rãi hơn với ASEAN cũng như khối này.
* Na Uy là một trong những đối tác quốc tế tham gia JETP với Việt Nam. Sau khi Việt Nam công bố kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện JETP, Na Uy sẽ làm gì để hiện thực hóa cam kết của mình với Việt Nam?
– Thông qua JETP, Na Uy đã cam kết đầu tư lên tới 250 triệu USD bằng Quỹ đầu tư khí hậu do NORFUND quản lý. Quỹ đầu tư của Chính phủ Na Uy dành cho các nước đang phát triển đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như các dự án khác có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Na Uy đang hỗ trợ hai trong tám dự án đầu tiên theo JETP. Đầu tiên, cùng với UNDP, Na Uy đã hỗ trợ công việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nhằm phát triển khuôn khổ cho Quy hoạch không gian biển đã được Quốc hội Việt Nam phê duyệt vào năm ngoái.
Thứ hai, thông qua việc chuyển giao công nghệ đồng xử lý từ viện nghiên cứu SINTEF của Na Uy, chúng tôi cũng đang làm việc với ngành xi măng để mở rộng quy mô đồng xử lý trong ngành này. Điều này có thể giúp giảm tổng lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam gần 20%.
* Năm ngoái, trong chuyến thăm Na Uy của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hai bên đã thảo luận về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và kinh tế đại dương bền vững. Bà có thể nói thêm về điều này?
– Nhiều phương thức đang được thảo luận giữa các bộ liên quan của cả hai bên và hy vọng rằng quan hệ đối tác đó có thể sớm được thiết lập.
Rõ ràng, Na Uy và Việt Nam có chung lợi ích trong việc chống biến đổi khí hậu và đảm bảo rằng các đại dương sạch, khỏe mạnh. Phần lớn hợp tác hiện tại của chúng ta có liên quan đến các mục tiêu này, trên các diễn đàn đa phương cũng như song phương.
Na Uy là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về các giải pháp bền vững trong năng lượng tái tạo và vận tải biển xanh, cũng như nuôi trồng thủy sản và kinh tế tuần hoàn. Hơn 40 công ty Na Uy đã đầu tư Việt Nam, hầu hết là trong các lĩnh vực này.
Một quan hệ đối tác chiến lược về chuyển đổi năng lượng xanh và kinh tế đại dương bền vững sẽ tạo cho Na Uy và Việt Nam một nền tảng để tăng cường hợp tác của chúng ta trong các lĩnh vực ưu tiên cao này.
Cựu thủ tướng Erna Solberg trở lại Việt Nam
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cựu thủ tướng Erna Solberg – phó trưởng đoàn Quốc hội Na Uy sang thăm Việt Nam lần này – cho biết bà có rất nhiều kỷ niệm đẹp về chuyến thăm Việt Nam với tư cách là thủ tướng vào năm 2015.
“Một chuyến tàu hỏa đến phía Bắc Việt Nam năm đó đã để lại cho tôi ấn tượng tuyệt vời về đất nước xinh đẹp của các bạn và tôi mong muốn được đến thăm nhiều nơi khác nữa trong lần này”. Nhiều cuộc thảo luận trong chuyến thăm 2015 của bà tập trung vào phát triển bền vững và bà kỳ vọng sẽ có nhiều cuộc trao đổi về lĩnh vực này trong chuyến đi lần này.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/na-uy-muon-co-fta-hien-dai-voi-viet-nam-20250118225057345.htm#content