Hãng Reuters ngày 5.12 đưa tin chính phủ Na Uy và 2 đảng đối lập vừa thỏa thuận ủng hộ việc thăm dò khoáng sản dưới đáy biển ở khu vực Bắc Cực, bước đi quan trọng hướng tới khai thác đại dương một cách toàn diện.
Thỏa thuận này được đưa ra khi Na Uy hy vọng trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện khai thác biển sâu ở quy mô thương mại để lấy khoáng sản và tạo việc làm, bất chấp những lo ngại về tác động môi trường và lời kêu gọi tạm dừng của quốc tế.
Với thỏa thuận trên, dự thảo sửa đổi của chính phủ dự kiến sẽ được quốc hội chính thức tranh luận vào ngày 4.1.2024, trước khi bỏ phiếu. Dự thảo đặt ra các yêu cầu khảo sát môi trường chặt chẽ hơn trong giai đoạn thăm dò, so với kế hoạch ban đầu.
Thỏa thuận cũng sẽ để quốc hội quyết định về việc có phê duyệt khai thác toàn diện hay không, dựa trên dữ liệu được thu thập từ môi trường biển sâu trong quá trình thăm dò ban đầu.
Nghị sĩ Na Uy Baard Ludvig Thorheim cho biết tiêu chuẩn môi trường đối với hoạt động khai thác dưới đáy biển đã được đặt ra khá cao trong đề xuất đã sửa đổi.
Ông cho biết các bên đã tranh luận sôi nổi nhằm tìm cách giữ cân bằng giữa bảo vệ môi trường và thương mại đối với các công ty đang muốn bắt đầu khai thác biển.
Công ty khởi nghiệp khai thác đáy biển Loke Marine Minerals, công ty có phần đầu tư của Công ty Dịch vụ dầu khí Technip FMC và Tập đoàn hàng hải Wilhelmsen Na Uy, hoan nghênh quyết định này.
Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ môi trường WWF cho rằng quyết định trên tiếp tục làm tổn hại đến danh tiếng của Na Uy trong việc bảo tồn đại dương, đồng thời hy vọng quốc hội nước này sẽ ngăn chặn bất kỳ động thái nào nhằm chuyển sang khai thác toàn diện đáy biển.