Nếu cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái, thì nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể “chìm một mình”.
Mỹ vỡ nợ sẽ là một sự kiện thảm khốc, với tác động không thể đoán trước. (Nguồn: Reuters) |
Sự kiện thảm khốc với thế giới
Theo trang AP, hậu quả của việc vỡ nợ sẽ nhanh chóng vang dội khắp thế giới.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định: “Không một góc nào của nền kinh tế toàn cầu được miễn trừ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng này sẽ không được giải quyết nhanh chóng”.
Nhà kinh tế Zandi và hai đồng nghiệp tại Moody’s kết luận rằng, ngay cả khi giới hạn nợ bị vi phạm không quá một tuần, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy yếu rất nhiều và có thể xóa sạch khoảng 1,5 triệu việc làm.
Ba vị chuyên gia nói trên dự báo: “Nếu tình trạng vỡ nợ của chính phủ kéo dài lâu hơn thì hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm; 7,8 triệu việc làm của nước này sẽ biến mất; lãi suất vay sẽ tăng vọt; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,4% lên 8% và 10.000 tỷ USD có thể bị mất trong thị trường chứng khoán”.
Còn theo GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell: “Vỡ nợ sẽ là sự kiện thảm khốc, với tác động không thể đoán trước. Sự kiện này sẽ nghiêm trọng hơn với thị trường tài chính toàn cầu và Mỹ”.
Nhà Trắng và các thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đàm phán về giới hạn nợ và tìm kiếm một bước đột phá.
Mối đe dọa vỡ nợ của Mỹ xuất hiện ngay khi nền kinh tế thế giới phải đối mặt với vô số các mối đe dọa khác – từ lạm phát và lãi suất gia tăng đến hậu quả của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trên hết, nhiều quốc gia đã trở nên hoài nghi về vai trò to lớn của Mỹ trong nền tài chính toàn cầu.
Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo của Mỹ thường tìm cách thoát khỏi bờ vực vỡ nợ và nâng trần nợ trước khi quá muộn. Quốc hội đã tăng, sửa đổi hoặc gia hạn giới hạn vay 78 lần kể từ năm 1960, gần đây nhất là vào năm 2021.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sự chia rẽ đảng phái trong Quốc hội ngày càng lớn trong khi nợ nần chồng chất sau nhiều năm tăng chi tiêu và cắt giảm thuế sâu. Trên một bức tường ở Manhattan, cách Quảng trường Thời đại không xa, đồng hồ nợ của Mỹ tăng cao hơn mỗi ngày, từ 3 triệu USD khi nó được khánh thành vào năm 1989, đã lên hơn 31 triệu USD vào thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng, chính phủ cạn kiệt dự trữ tiền mặt và cả những lời biện hộ về ngân sách, ngay sau ngày 1/6.
Ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận thấy: “Nếu độ tin cậy của Kho bạc Mỹ bị suy giảm vì bất kỳ lý do gì, nó sẽ gây ra những làn sóng xung kích khắp hệ thống và gây ra những hậu quả to lớn đối với tăng trưởng toàn cầu”.
USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn?
Trái phiếu kho bạc được sử dụng rộng rãi làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, giống như một bộ đệm chống lại tổn thất của ngân hàng hoặc như một thiên đường trú ẩn trong những thời điểm không chắc chắn và là nơi để các ngân hàng trung ương dự trữ ngoại hối.
Các khoản nợ của chính phủ Mỹ (bao gồm tín phiếu kho bạc, trái phiếu) có trọng số rủi ro bằng 0, theo quy định của ngân hàng quốc tế. Hiện tại, chính phủ nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ khoản nợ gần 7,6 nghìn tỷ USD-khoảng 31% trái phiếu kho bạc trên thị trường tài chính.
Nhờ có vai trò quan trọng của đồng USD, Mỹ tương đối dễ dàng vay mượn và tài trợ cho các khoản nợ chính phủ ngày càng tăng.
Những vấn đề xoay quanh trần nợ làm dấy lên câu hỏi về sức mạnh tài chính to lớn của Mỹ và đồng USD. (Nguồn: WSJ) |
Nhu cầu ngày cao đối với USD có xu hướng khiến chúng trở nên có giá trị hơn so với các loại tiền tệ khác và điều đó cũng phải trả giá. Đồng USD mạnh khiến hàng hóa tại Mỹ đắt hơn so với các quốc gia khác, khiến các nhà xuất khẩu nước này gặp bất lợi trong cạnh tranh.
Đó là lý do tại sao Washington bị thâm hụt thương mại hàng năm kể từ năm 1975.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong tất cả dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, USD chiếm 58%. Đứng thứ 2 là đồng EUR 20% và đồng NDT chỉ chiếm dưới 3%.
Các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tính toán rằng, từ năm 1999 đến 2019, 96% giao dịch ở châu Mỹ được lập hóa đơn bằng USD. 74% giao dịch thương mại ở châu Á cũng vậy. Ở những nơi khác ngoài châu Âu, nơi đồng EUR thống trị, USD chiếm 79% trong giao dịch thương mại.
Thậm chí, tiền tệ của Mỹ đáng tin cậy đến mức các thương nhân ở một số nền kinh tế không ổn định yêu cầu thanh toán bằng USD, thay vì tiền tệ của quốc gia họ.
Ngay cả khi một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Mỹ, đồng USD vẫn nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. Đó là những gì đã xảy ra vào cuối năm 2008, khi sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ đã kéo theo hàng trăm ngân hàng và công ty tài chính, bao gồm cả Lehman Brothers hùng mạnh một thời. Tuy vậy, thời điểm đó, giá trị của đồng USD đã tăng vọt.
Nếu Washington vượt qua giới hạn nợ mà không giải quyết được tranh chấp và Bộ Tài chính nước này không trả được nợ, nhà kinh tế Zandi dự báo, đồng USD sẽ một lần nữa tăng giá, ít nhất là thời điểm ban đầu. “Vì sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, các nhà đầu tư toàn cầu không biết phải đi đâu, ngoại trừ nơi họ luôn đến khi có khủng hoảng và đó là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ông Zandi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đồng USD, mặc dù vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu, đã “mất điểm” trong những năm gần đây khi nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng đồng EUR và NDT. Việc Mỹ sử dụng sức mạnh của đồng USD để áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối thủ đã khiến một số nước lo ngại.
Dù vậy, cho đến nay, không có lựa chọn thay thế rõ ràng nào xuất hiện. Đồng EUR hay NDT vẫn chưa thể thay thế đồng bạc xanh trong giao dịch thương mại toàn cầu.
Những vấn đề xoay quanh trần nợ chắc chắn sẽ làm dấy lên câu hỏi về sức mạnh tài chính to lớn của Mỹ và đồng USD.