Kế hoạch của ông Netanyahu dự tính rằng các vấn đề dân sự ở Gaza thời hậu chiến sẽ do các quan chức Palestine điều hành mà không có liên hệ với Hamas.
Kế hoạch này cũng quy định rằng, ngay cả sau chiến tranh, quân đội Israel sẽ có “quyền tự do vô thời hạn” để hoạt động trên khắp Gaza nhằm ngăn chặn bất kỳ sự tái diễn nào của hoạt động khủng bố. Kế hoạch này nhanh chóng bị Chính quyền Palestine bác bỏ và vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đã “luôn nói rõ với những người đồng cấp Israel” về những gì cần thiết ở Gaza thời hậu chiến. Ông nói: “Người dân Palestine cần có tiếng nói và quyền bỏ phiếu… thông qua Chính quyền Palestine được hồi sinh”.
“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự di dời cưỡng bức nào của người Palestine bên ngoài Gaza và tất nhiên, chúng tôi không muốn thấy Gaza bị thống trị hoặc cai trị bởi Hamas”, ông Kirby cho biết.
Khi được hỏi về kế hoạch này trong chuyến thăm Argentina, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington phản đối bất kỳ hành động “tái chiếm đóng” nào ở Gaza sau chiến tranh.
Quan chức cấp cao của Hamas, Osama Hamdan, bác bỏ kế hoạch của Netanyahu là không thể thực hiện được. Hamdan nói với các phóng viên ở Beirut: “Khi nói đến Dải Gaza, Netanyahu đang trình bày những ý tưởng mà ông ấy biết rõ sẽ không bao giờ thành công”.
Theo Liên hợp quốc, hơn 4 tháng giao tranh và bắn phá đã san phẳng phần lớn Gaza và đẩy dân số khoảng 2,4 triệu người đến bờ vực nạn đói khi dịch bệnh lây lan.
Zarifa Hamad, 62 tuổi, một phụ nữ phải di tản và sống trong một trại ở phía bắc Gaza, cho biết: “Chúng tôi đã đạt đến mức nghèo đói cùng cực. Trẻ em đang chết đói”.
Một báo cáo của Liên hợp quốc hôm thứ Sáu cho biết “những vi phạm nhân quyền” đã được thực hiện bởi tất cả các bên ở Israel và vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời yêu cầu trách nhiệm và công lý để thúc đẩy hòa bình.
Mai Vân (theo Reuters, AFP, SCMP)