MẠNH TRƯỜNG (Theo AP, Hill)
Trong nỗ lực đẩy lùi tiếng nói ngày càng tăng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc (LHQ), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) sau 5 năm vắng bóng.
Trụ sở UNESCO ở Pháp.
Theo Hãng tin AP, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Quản lý và Tài nguyên Richard Verma ngày 8-6 đã trao một lá thư cho Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, trong đó phác thảo kế hoạch khôi phục tư cách thành viên của Washington tại cơ quan LHQ có trụ sở ở thủ đô Paris của Pháp. “Bất kỳ động thái tương tự nào đều cần có sự đồng ý của tất cả thành viên hiện tại của UNESCO, và chúng tôi biết ban lãnh đạo sẽ sớm chuyển đề xuất của Mỹ tới các thành viên trong những ngày tới” – trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hiện tại, Hãng tin Axios dẫn một nguồn tin cho biết ý định trở lại của Mỹ được văn phòng Tổng Giám đốc Azoulay thông báo cho đại sứ tất cả các nước thành viên UNESCO trong một cuộc họp bất thường về “thông tin chiến lược khẩn cấp” ngày 12-6. Dự kiến, các bên sẽ tham gia cuộc họp chung được triệu tập vào tháng tới để thông qua kế hoạch cụ thể. Chi tiết liên quan đề xuất của Mỹ vẫn chưa được làm rõ, do thông báo được Nhà Trắng truyền đạt dựa trên thể thức riêng tư. Nhưng theo tiết lộ từ một nguồn tin ngoại giao, kế hoạch đã được đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và UNESCO, trong đó bao gồm thời gian biểu về việc thanh toán kinh phí đóng góp mà Washington nợ những năm qua. Cũng giống như LHQ nói chung, Mỹ đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm. Nhưng hồi năm 2011, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu ngừng đóng góp cho UNESCO sau khi Palestine trở thành thành viên đầy đủ của cơ quan này. Washington sau đó bị mất quyền bỏ phiếu tại UNESCO vào năm 2013 vì nợ tiền đóng góp.
Được biết, quan hệ giữa Mỹ và tổ chức của LHQ đã trải qua 4 thập kỷ sóng gió do bất đồng về các vấn đề ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh và sau đó là cuộc xung đột Israel – Palestine. Năm 1983, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan đã rút Washington khỏi UNESCO, cho đến khi cựu Tổng thống George W. Bush đưa Mỹ quay trở lại vào năm 2002. Đến tháng 10-2017, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump lần nữa rút Mỹ khỏi UNESCO với cáo buộc cơ quan này thành kiến với Israel. Tiến trình trên được hoàn tất vào năm 2019 và tính đến thời điểm đó, Washington được cho nợ nghĩa vụ đóng góp khoảng 542 triệu USD.
Trong nỗ lực trở lại UNESCO với tư cách là thành viên đầy đủ, các nhà lập pháp Mỹ năm ngoái đã thông qua một dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD cần thiết để trả khoản nợ cho UNESCO. Bộ Ngoại giao được phép sử dụng số tiền này cho đến mùa thu năm 2025. Sau khi các khoản nợ được thanh toán, Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 100 triệu USD/năm để duy trì tư cách thành viên bỏ phiếu. Cũng trong dự luật trên, 3,3 tỉ USD viện trợ quân sự đã được cung cấp cho Israel. Năm ngoái, Israel thông báo với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ không phản đối việc Washington trở lại UNESCO. Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, Tel Aviv vốn rút khỏi UNESCO cùng thời gian với Mỹ và hiện cũng rất muốn quay trở lại nhưng còn chờ động thái từ Nhà Trắng.
Đối phó ảnh hưởng Trung Quốc
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Biden coi việc tái gia nhập UNESCO là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu, một phần để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại UNESCO. Hồi tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass cũng làm rõ quan điểm trên của Nhà Trắng khi tuyên bố việc tái gia nhập UNESCO giúp củng cố vị thế của Washington trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc – quốc gia đang chi các khoản ngân sách khủng cho nhiều tổ chức của LHQ.
Cụ thể, theo lời Thứ trưởng Bass, tái gia nhập UNESCO giúp Mỹ tìm lại những cơ hội quan trọng bị bỏ lỡ trong lúc vắng mặt, làm giảm khả năng thúc đẩy tầm nhìn của Mỹ một cách hiệu quả. “Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc về cuộc cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số với Trung Quốc, theo quan điểm của tôi thì vì nhiều lợi ích rõ ràng, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn quan trọng về tiêu chuẩn đã được thiết lập ở lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ” – quan chức này kết luận. Trước UNESCO, chính phủ của Tổng thống Biden với sách lược ưu tiên hợp tác quốc tế đã quay trở lại một số thực thể mà Mỹ rút khỏi dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền LHQ.