Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho các đồng minh về khả năng rằng Nga đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân hoặc đầu đạn giả vào không gian trong năm nay.
Truyền thông Mỹ tuần trước đưa tin tình báo Mỹ đã có được thông tin rằng Nga có thể đã triển khai các loại vũ khí chống vệ tinh thế hệ mới, có thể bao gồm cả vũ khí hạt nhân lên quỹ đạo Trái Đất hoặc nước này đang có kế hoạch làm như vậy.
Moskva sau đó đã kiên quyết phủ nhận thông tin này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây chỉ là một mưu đồ nhằm thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong bài báo của Bloomberg, các nguồn tin cho rằng Nga thực sự đang phát triển vũ khí trên không gian nhằm mục đích đánh bật các vệ tinh của phương Tây. Tuy nhiên các báo cáo của Lầu Năm Góc gần đây cho rằng Moskva hiện chưa có kế hoạch thực sự kích hoạt vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo, nhưng cho rằng có nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân có thể làm gián đoạn 1/3 số vệ tinh trên quỹ đạo và tàn phá các hệ thống liên lạc toàn cầu.
Phát biểu hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh quan điểm của Moskva “rõ ràng và minh bạch” về triển khai vũ khí hạt nhân ở bất kỳ đâu, kể cả trong không gian.
“Chúng tôi luôn kiên quyết phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian”. Ông Putin nói thêm, Nga không chỉ kêu gọi những nước như Mỹ duy trì các hiệp ước chống lại việc vũ khí hóa không gian mà còn nhiều lần nhấn mạnh vào việc tăng cường các hiệp ước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nhấn mạnh Moskva “chưa triển khai và không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian”.
Còn theo người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã bác bỏ thông tin cho rằng cảnh báo của Mỹ là một “âm mưu” nhằm tăng viện trợ cho Ukraine, mô tả chúng là “ngớ ngẩn” và tuyên bố rằng những lo ngại của Washington là có thật.
Theo Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967, được ký ban đầu bởi Mỹ, Liên Xô và Anh, việc triển khai bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào trên quỹ đạo đều bị nghiêm cấm. Hiệp định này cũng đã được hơn 100 quốc gia khác ký kết.