Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, phối hợp với các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh, hôm 12/4 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 120 cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong số những cá nhân bị trừng phạt có nhà tài phiệt Nga Alisher Usmanov, người vốn đã chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hơn một năm trước, và được cho là có khả năng lách các biện pháp trừng phạt.
Mỹ cũng bổ sung vào “danh sách đen” của mình Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary và 3 quan chức hàng đầu của ngân hàng này, bao gồm cựu Chủ tịch IIB Nikolay Kosov (quốc tịch Nga), và hai quan chức cấp cao trong Hội đồng Quản trị IIB là ông Georgy Potapov (quốc tịch Nga) và ông Imre Laszloczki (quốc tịch Hungary).
Hậu quả đối với bên thứ ba
Một tuyên bố hôm 12/4 của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, sự hiện diện của IIB tại Budapest đã cho phép Nga tăng cường sự hiện diện tình báo ở châu Âu và “có thể đóng vai trò là cơ chế tham nhũng và tài chính bất hợp pháp, bao gồm cả vi phạm các lệnh trừng phạt”.
IIB ban đầu được thành lập vào năm 1970 để thúc đẩy thương mại trong khối Xô Viết. Ngân hàng này đã chuyển trụ sở chính từ Moscow đến Budapest vào năm 2019. Sau khi Nga phát động tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Romania và Slovakia đã ngừng tham gia IIB, trong khi Hungary được cho là đã không thực hiện biện pháp nào chống lại thực thể này.
Chính phủ Mỹ cho rằng thông qua IIB, Hungary về cơ bản đang cho phép Nga “vươn dài cánh tay” của mình sang châu Âu.
Phát biểu với các phóng viên tại Budapest chiều hôm 12/4, Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết, Washington đã nhiều lần chia sẻ thông tin với các đối tác Hungary về cách Nga có thể sử dụng ngân hàng này để mở rộng ảnh hưởng của mình nhưng không có kết quả.
“Hungary đã bác bỏ lo ngại của chính phủ Mỹ về những rủi ro mà sự hiện diện liên tục của nó (IIB) gây ra cho liên minh”, Đại sứ Pressman cho biết.
“Chúng tôi lo ngại về việc các nhà lãnh đạo Hungary tiếp tục mong muốn mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với Liên bang Nga bất chấp hành động của họ ở Ukraine và mối đe dọa đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương”, Đại sứ Mỹ nói.
“Với thông báo này, Mỹ đang chứng minh rằng chúng tôi sẽ hành động để đáp lại các lựa chọn của Hungary và hạn chế sự tiếp cận của Nga và những người Nga bị trừng phạt đối với hệ thống tài chính quốc tế”, nhà ngoại giao này tiếp tục.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong một tuyên bố hôm 12/4, cho biết các lệnh trừng phạt vừa công bố là phù hợp với “cam kết của G7 nhằm áp đặt những hậu quả nghiêm trọng đối với các bên thứ ba ủng hộ chiến dịch của Nga ở Ukraine”.
“Mỹ sẽ tiếp tục hành động chống lại Nga và những nước ủng hộ cuộc chiến của họ ở Ukraine”, ông Blinken tuyên bố.
Quan hệ thân thiện
Hungary là quốc gia nội lục (không giáp biển) phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên và dầu thô nhập khẩu qua đường ống từ Nga. Là thành viên của cả EU và NATO, nhưng không giống như phần lớn các đồng minh của mình trong hai tổ chức này, Hungary vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Điện Kremlin kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự.
Nước này đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt này đã thất bại trong việc làm suy yếu Moscow trong khi có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Ngay trước thông báo của Chính phủ Mỹ hôm 12/4, ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, đã cáo buộc Đại sứ quán Mỹ ở Budapest trực tiếp vận động để thay đổi lập trường của Hungary đối với Nga.
“Mỹ đã không từ bỏ việc cố gắng ép Hungary vào vị trí ủng hộ chiến tranh được chia sẻ bởi nhiều đồng minh của chúng tôi, nhưng Hungary vẫn tin rằng hòa bình là lợi ích chung duy nhất”, ông Gulyas cho biết trong các bình luận đăng trên tài khoản Twitter của một người người phát ngôn chính phủ Hungary.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 11/4 đã đến Moscow để đàm phán về nguồn cung khí đốt, và một dự án đang triển khai của Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom nhằm mở rộng nhà máy điện hạt nhân của Hungary.
Và Hungary, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn đang ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO – một quyết định khiến nhiều đồng minh khó chịu và bối rối.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các nhân vật có liên quan đến Thủ tướng Hungary Viktor Orban, với các cáo buộc về nạn tham nhũng cấp cao tràn lan ở Hungary. Vào năm 2014, Mỹ đã cấm một số công dân Hungary nhập cảnh vào Mỹ, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan thuế của nước này.
Washington trước đây cũng đã trừng phạt các cá nhân và thực thể có ảnh hưởng ở Bulgaria, một đồng minh NATO khác của Mỹ và là thành viên EU.
Minh Đức (Theo Reuters, Politico.eu)