Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, nước này đang đàm phán với các quốc gia châu Âu về việc mua 40 tiêm kích phản lực đa năng Eurofighter Typhoon. Ankara đưa ra quyết định này sau khi nhận thấy Mỹ có thể không giữ đúng cam kết bán thêm tiêm kích F-16.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler tuần trước từng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Anh và Tây Ban Nha để mua Typhoon, mặc dù Đức phản đối ý tưởng này.
Nguồn tin nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua phiên bản Eurofighter mới và tiên tiến nhất. Bộ Quốc phòng Anh cũng xác nhận ông Guler cũng đã thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps trong cuộc gặp tại Ankara hôm 23/11.
“Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang cần máy bay mới. Lựa chọn đầu tiên của chúng tôi là F-16 nhưng xét đến khả năng, chúng tôi không nhận được phản hồi tích cực từ phía Mỹ. Do đó máy bay Eurofighter Typhoon là lựa chọn thay thế phù hợp nhất”, nguồn tin cho biết.
“Các quan chức từ Anh nói rằng họ có thể giúp thuyết phục Đức ủng hộ thỏa thuận này”, nguồn tin Reuters nói.
Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10/2021 đã yêu cầu Mỹ bán thêm 40 chiếc F-16 cùng 79 gói hiện đại hóa cho những chiếc F-16 hiện có của nước này.
Chính quyền của Tổng thống MỹJoe Biden trong nhiều tuyên bố cho biết ủng hộ thương vụ trị giá 20 tỷ USD này nhưng thỏa thuận vấp phải sự phản đối tại Quốc hội Mỹ sau khi Ankara nhiều lần gây sức ép đối với việc mở rộng NATO.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với NATO rằng việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ không được hoàn thành trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao của liên minh vào tuần tới, điều này càng làm phức tạp thêm vấn đề.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Guler nói rằng Ankara muốn phát triển hơn nữa hợp tác với Anh trong nhiều lĩnh vực, cụ thể là hợp tác phát triển trong việc chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến cũng như thỏa thuận mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon.
Tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon được chế tạo bởi một liên doanh đa quốc gia gồm Đức, Anh, Italia và Tây Ban Nha, đại diện là Airbus (AIR.PA), BAE Systems (BAES.L) và Leonardo (LDOF.MI).
Nhà phân tích quốc phòng Tayfun Ozberk nhận định: “Để cân bằng quyền lực trong khu vực, nhu cầu về máy bay chiến đấu công nghệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ không có gì là bí mật. Trong bối cảnh này, động thái mua Eurofighter có thể được thực hiện nhằm gây áp lực buộc chính quyền Biden phải thuyết phục Quốc hội Mỹ bán F-16 càng sớm càng tốt”.
Serhat Guvenc, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has, cho biết thương vụ Eurofighter Typhoon thực sự là cơ hội cuối cùng để giữ chân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây. Nếu không, Ankara sẽ tìm đến lựa chọn khác.
“Việc mua Eurofighter có thể tạo ra một số vấn đề hoạt động vì lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động theo hệ thống tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên Eurofighter là sản phẩm chung của các thành viên NATO nên sự khác biệt sẽ không quá lớn”.
Trà Khánh(Nguồn: Reuters)