Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 31/1 đã không tạo ra sự bất ngờ nào khi giữ nguyên lãi suất ở đỉnh 22 năm, ở mức 5,25-5,5%/năm, sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp Fed giữ lãi suất không đổi.
Chủ tịch Fed ông Jerome Powell cũng bác bỏ khả năng giảm lãi suất vào tháng 3.
Trước đó, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát vốn lên mức cao kỷ lục trong 4 thập kỷ, ở mức 9,1% vào tháng 6/2022.
Ngân hàng trung ương Mỹ chưa vội hạ lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – chỉ tăng 2,6% tháng 12/2023.
Mục tiêu của Fed vẫn là đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% cho dù có rất nhiều dự báo cho rằng Mỹ khó có thể đạt được điều này trong bối cảnh hiện nay. Thế giới bất ổn và nước Mỹ không còn nhiều ưu thế như trước.
Chủ tịch Fed Powell cũng bày tỏ sự lạc quan vào nền kinh tế Mỹ. Đây là tín hiệu cho thấy, Fed còn thêm dư địa để tiếp tục chiến đấu chống lạm phát. Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,7%.
Trong cuộc họp trước đó, Fed cho hay cơ quan này có thể giảm lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản trong năm 2024, tức lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate – FFR) sẽ về mức 4,5-4,75%/năm.
Với việc Fed giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu chưa hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3, đồng USD tiếp tục tăng lên.
Chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng từ mức 103,4 điểm trong phiên liền trước lên 103,6 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực bán ra khi đã lên đỉnh gần đây và trước một đồng USD mạnh lên. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 giảm 1,6%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,2%.
USD tăng nhanh, vàng tiếp tục leo thang
Giá vàng vẫn tiếp tục tăng cho dù đồng USD mạnh lên. Giá vàng thế giới giao ngay sáng 1/2 tăng lên gần 2.040 USD/ounce (từ mức 2.030 USD cùng giờ phiên trước). Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), có lúc giá vàng lên 2.050 USD/ounce.
Sáng 1/2, giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục tăng và đã đạt mốc 78 triệu đồng/lượng.
Vàng tăng giá chủ yếu do căng thẳng gia tăng tại Trung Đông khi 3 lính Mỹ bị thiệt mạng và 25 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Đông Bắc Jordan, gần biên giới Syria.
Chính quyền ông Joe Biden chịu lực lớn về việc phải trả đũa Iran. Đây cũng là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng kể từ khi chiến sự xảy ra ở Gaza và làm gia tăng căng thẳng khắp Trung Đông.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa đưa ra dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024 và có thể lập đỉnh cao mới. Trước đó, WGC cũng cho rằng, ngân hàng trung ương các nước tiếp tục kéo dài “bữa tiệc mua sắm vàng”.
Một số dự báo cho rằng, vàng thậm chí có thể tiếp cận mức 3.000 USD/ounce (khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024.