Từ đầu năm 2023 đến nay, nhập khẩu chip của Mỹ từ 4 nước châu Á là Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia tăng mạnh, trong bối cảnh Washignton đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung loại sản phẩm này, đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới nổi.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ, nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái lên 4,86 tỷ USD vào tháng 2/2023, trong đó nhập khẩu từ châu Á chiếm 83% về giá trị.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ Ấn Độ tăng 34 lần lên 152 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Campuchia cũng tăng ấn tượng gần 7 lần, lên con số chỉ tháp hơn một chút so với mức 166 triệu USD nhập khẩu từ nhà sản xuất truyền thống là Nhật Bản. Đây đều là những con số chưa từng có tiền lệ.
Việt Nam và Thái Lan, cả hai nước đang chiếm thị phần ngày càng lớn hơn trong thị trường sản xuất chip, có trao đổi thương mại trong lĩnh vực này với Mỹ tăng lần lượt là 75% và 62%. Việt Nam chiếm hơn 10% lượng chip nhập khẩu Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng thiết bị điện tử của nước này, thông qua việc dịch chuyển các nhà sản xuất từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới nổi.
Malaysia, một trong những công xưởng hàng đầu thế giới về đóng gói chip, vẫn dẫn đầu về cung cấp chip cho Mỹ song thị phần của nước này đã giảm xuống còn 20% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong tháng 2/2023.
Chất bán dẫn là một thành phần quan trọng trong sản xuất các thiết bị điện tử ngày nay, từ máy tính, điện thoại đến thiết bị gia dụng.
Từ năm 2021, Mỹ đã đẩy mạnh nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với ngành bán dẫn, như chiến lược then chốt để đảm bảo việc nước này duy trì vị trí hàng đầu thế giới về công nghệ mũi nhọn./.