Ngày 30/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết Mỹ đã tái gia nhập tổ chức này.
Tại phiên họp toàn thể bất thường của cơ quan này, các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự trở lại của Mỹ, với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng.
Mỹ là một thành viên sáng lập UNESCO, cũng là nhà đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp nhận Palestine là một nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Mỹ ngừng đóng góp cho UNESCO, bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế giống như các quốc gia thành viên khác.
6 năm sau đó, năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ, cùng với Israel, rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái. Quyết định này có hiệu lực từ năm 2018.
Tuy nhiên, ngày 8/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có một bức thư gửi tới UNESCO bày tỏ mong muốn tái gia nhập với tư cách thành viên chính thức vào tháng 7. Động thái của UNESCO diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định miễn trừ từ đầu năm nay cho tới năm 2025 việc áp dụng Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại đối với trường hợp UNESCO. Ngoài ra, Washington cũng cam kết sẽ thanh toán dần khoản đóng góp 619 triệu USD cho thời gian gián đoạn.
Theo kế hoạch hoàn trả được đề xuất, Mỹ cho biết sẽ trả 150 triệu USD cho năm 2024, bao gồm khoản đóng góp theo năm và các khoản nợ. Nước này cũng sẽ cung cấp thêm khoản tài trợ tự nguyện trị giá 10 triệu USD cho các công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa.