Hôm nay 30.10, Báo Tiền Phong, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Trường đại học Anh quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “An toàn không gian mạng cho sinh viên”.
Ngoài đại diện các Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT, T.Ư Đoàn, khách mời còn có diễn viên Thu Quỳnh (nổi tiếng với vai My sói trong bộ phim Quỳnh búp bê).
Nạn nhân hay thủ phạm?
Tại cuộc tọa đàm, “My sói” Thu Quỳnh cho biết, với tư cách là Phó bí thư Chi đoàn thanh niên Nhà hát Tuổi trẻ, cô đang đồng hành với T.Ư Đoàn trong chiến dịch vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”.
Vì thế, cô đã dự một số tọa đàm về chủ đề ý thức, trách nhiệm đối với việc ứng xử trên mạng xã hội, giúp các bạn sinh viên chủ động thay đổi, điều chỉnh hành vi để tham gia không gian mạng an toàn, lành mạnh…
Là một người nổi tiếng, có độ phủ sóng trên mạng xã hội (với fanpage có hàng trăm nghìn người theo dõi), Thu Quỳnh cũng từng là nạn nhân của tin giả, bạo lực mạng.
“Tự nhiên có một scandal từ trên trời rơi xuống, buộc Quỳnh phải xử lý khủng hoảng truyền thông. Nói là “từ trên trời rơi xuống”, bởi đó là cái việc mà mình không hề gây ra, nhưng phải đi giải quyết”, Thu Quỳnh chia sẻ.
Nhưng Thu Quỳnh đã vượt qua được, trước hết là nhờ sự đồng hành của gia đình, sự tin tưởng của bạn bè, sự cổ vũ của người hâm mộ, cũng như đã sớm tìm đến cơ quan chức năng để được trợ giúp.
Thu Quỳnh cho biết: “Mới đây, trong một tọa đàm tại Đại học Thái Nguyên, tôi có đặt ra một câu hỏi, liệu đã bao giờ các bạn đang biến mình thành người cả tin trên mạng xã hội. Từ trải nghiệm của chính mình, tôi nhận thấy không chỉ sinh viên mà bất kỳ ai khi sử dụng mạng xã hội cũng đều có nguy cơ biến mình thành người cả tin.
Chính từ sự cả tin đó, người dùng cũng sẽ vô tình trở thành thủ phạm trong việc lan truyền các thông tin sai lệch. Ranh giới giữa nạn nhân và thủ phạm rất mong manh. Cho nên mới có việc chúng ta ngồi đây để tìm giải pháp giúp nhau, giúp các bạn sinh viên thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này”.
Theo Thu Quỳnh, cô rất đồng tình với cách làm mà T.Ư Đoàn cũng như Bộ GD-ĐT đang thực hiện, là bắt đầu tác động từ nhận thức thông qua các hình thức giáo dục khác nhau tới học sinh, sinh viên trong quá trình tham gia mạng xã hội.
“Điều quan trọng là mỗi người trang bị kiến thức và ý thức cá nhân để tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc. Hãy vững vàng! Nếu không làm sai, chúng ta không có gì phải sợ. Hãy cùng chống lại những tiêu cực trên mạng xã hội. Quan trọng là không để tinh thần bị ảnh hưởng. Thay vì lên mạng để tranh cãi khiến câu chuyện đi quá xa, chúng ta hãy nhờ đến cơ quan chức năng để tìm kiếm sự bảo vệ, hỗ trợ kịp thời”, Thu Quỳnh chia sẻ.
Cần chủ động trang bị kiến thức ứng xử trên mạng
Theo anh Nguyễn Nhất Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, con người là yếu tố quan trọng nhất trong các giải pháp phòng, chống ảnh hưởng tiêu cực trên không gian mạng. Vì vậy, sinh viên cần chủ động trang bị kỹ năng để bảo vệ mình và những người xung quanh. Có 3 sự hỗ trợ mà sinh viên cần nghĩ đến ngay khi gặp sự cố, đó là gia đình, nhà trường (giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, hội trong trường), chuyên gia tư vấn tâm lý (nhiều trường đại học có đội ngũ này).
“Những ai chia sẻ, lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo luật An ninh mạng. Điều này góp phần hạn chế sự lan truyền thông tin xấu tới 90 – 95%. Để có những căn cứ xử lý vụ việc, nạn nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp xử lý kịp thời”, anh Nguyễn Nhất Linh nói.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết trước khi T.Ư Đoàn có cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định về ứng xử văn minh trên không gian mạng.
Không thể phủ nhận việc internet có những đóng góp tích cực đến phát triển nền tảng tri thức nhân loại, nhưng không thể không nhận thấy những tác động tiêu cực không nhỏ của nó đến thế hệ trẻ. Việc giáo dục học sinh, sinh viên ứng xử trên mạng đã được quan tâm nhưng không thể chủ quan bởi nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Vì thế, bên cạnh việc GD-ĐT mang lại tri thức, các nhà trường cũng cần giúp các thế hệ có cách ứng xử văn minh trên không gian mạng.
“Đối với từng cá nhân, chúng tôi mong muốn lan tỏa văn minh trên không gian mạng đến từng bạn trẻ, vì thế đã lồng ghép nhiều chương trình về an toàn trên không gian mạng trong chương trình đào tạo tại các trường đại học. Tôi cũng mong muốn rằng từ những người tham gia các chương trình này sẽ chia sẻ, lan tỏa kiến thức đến các bạn khác để không bị các đối tượng xấu lợi dụng”, ông Dũng nói.