Ngày 27/11, nghị quyết của Đại hội đồng Nghị viện NATO đã kêu gọi các nước thành viên liên minh cung cấp tên lửa tầm trung cho Ukraine với tầm bắn từ 1.000 – 5.000 km theo quy định của Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Dù dành được sự đồng thuận của Đại hội đồng Nghị viện NATO, kế hoạch viện trợ tên lửa tầm trung cho Ukraine vẫn chưa được quốc gia nào đứng ra cam kết viện trợ. Điều này đến từ việc NATO chỉ có vài nước sở hữu tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km và Mỹ đang dẫn đầu với tên lửa Tomahawk.
Nếu đánh giá khả năng viện trợ tên lửa tầm trung cho Ukraine, chỉ có Mỹ mới đủ năng lực đáp ứng cường độ chiến trường hiện tại. Bản thân tên lửa Tomahawk cũng đã từng tham chiến ở nhiều cuộc xung đột và chứng minh được hiệu quả của mình.
Vấn đề lớn nhất hiện tại là để triển khai Tomahawk, Ukraine cần có các bệ phóng thẳng đứng Mk 70 và MRC Typhon. Đây đều là khí tài mới, ngay cả quân đội Mỹ cũng chưa được trang bị đại trà.
Một vấn đề khác được đặt ra là nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ còn chưa tới hai tháng và việc thúc đẩy kế hoạch chuyển giao Tomahawk là quá gấp. Bên cạnh đó ngay cả khi sở hữu Tomahawk, Kiev cũng không có cơ hội chấm dứt xung đột chỉ với vài tên lửa.
Ngay cả khi có khả năng chuyển giao vài chục tên lửa Tomahawk cho Kiev, hành động như vậy cũng sẽ dẫn đến việc xung đột leo thang mất kiểm soát. Phản ứng của Moskva có thể mạnh mẽ hơn cả việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ Nga.
Trong tình huống xấu nhất, Mỹ hay cả NATO có thể bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga, bởi Ukraine không có năng lực vận hành tên lửa NATO mà hầu hết đều do các cố vấn quân sự Mỹ thực hiện.
Các chuyên gia nhận định, động thái leo thang xung đột hiện nay là một phần trong chiến lược lớn hơn của chính quyền ông Biden nhằm “làm phức tạp vấn đề hết mức có thể”. Mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn một kế hoạch đàm phán hòa bình sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.
Một giải pháp khác dễ dàng hơn việc chuyển giao Tomahawk đó là Washington cung cấp tên lửa không đối đất JASSM-ER. Vũ khí này có tầm bắn lên đến 1.000 km và có thể triển khai từ các chiến đấu cơ F-16.
Giống như Tomahawk, JASSM-ER cũng không làm thay đổi được cán cân của cuộc xung đột và không đủ mạnh để dẫn Ukraine đến chiến thắng. Việc sử dụng tên lửa tầm xa càng dẫn đến các phản ứng mạnh mẽ hơn từ Nga kèm theo những hậu quả khó lường.
Việc chuyển giao Tomahawk và JASSM-ER cũng không thể thiếu đi sự hỗ trợ từ Mỹ. Nếu ông Trump thay đổi chính sách sau khi trở lại Nhà Trắng mọi nỗ lực hiện tại đều trở nên vô nghĩa.
Các nhà lãnh đạo NATO hiểu rõ những rủi ro của những hành động như vậy nhưng vẫn đưa ra sự ủng hộ đối với kế hoạch trên.
Nguồn: https://vtcnews.vn/my-se-chuyen-giao-ten-lua-tomahawk-cho-ukraine-ar910167.html