Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/5 đã tán thành kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Đây được coi là tiền đề để gửi những chiếc máy bay tiên tiến này đến Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine: Mỹ ủng hộ kế hoạch đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16. (Nguồn: AP) |
Quan điểm này được đưa ra tại cuộc thảo luận của lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về kế hoạch trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các nhà lãnh đạo G7 đã nhóm họp tại Hiroshima (Nhật Bản), nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ có mặt trong ngày 21/5, đánh dấu chuyến công du xa nhất của ông kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo trong nhóm lần đầu tiên được lắng nghe quan điểm của Tổng thống Mỹ ủng hộ kế hoạch đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16, coi đây là tiền đề để gửi những chiếc máy bay tiên tiến này đến Ukraine.
Theo đó, thời điểm và cách thức chuyển giao chiến đấu cơ F-16 do hãng Lockheed Martin sản xuất sẽ được công bố trong những tháng tới, khi quá trình huấn luyện đang diễn ra. Dự kiến, đợt huấn luyện sẽ được tiến hành tại châu Âu.
* Ngày 19/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ủng hộ sáng kiến hòa bình của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Zelensky, người đang thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Saudi Arabia, cho biết các đại biểu tham dự hội nghị sẽ nhận được văn bản của kế hoạch hòa bình 10 điểm và đề nghị họ làm việc với Ukraine.
* Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev ngày 19/5 cho rằng, nước này chỉ có thể tiến hành đàm phán với Mỹ liên quan vấn đề Ukraine, nhằm thảo luận về các điều kiện của một trật tự thế giới hậu xung đột, song khẳng định còn quá sớm để đối thoại về vấn đề này.
Đăng trên Telegram, ông Medvedev nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ có thể đối thoại với ‘các ông chủ’. Hay nói đúng hơn, chỉ với Washington. Đơn giản là không có bên đối thoại nào khác. Và chỉ thảo luận về các điều kiện của trật tự thế giới hậu chiến tranh. Mặc dù còn quá sớm để nói về điều này. Do đó, hiện tại chưa cần đàm phán gì cả”.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố bất kỳ sáng kiến hòa bình nào nhằm tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán bình đẳng giữa Nga và Ukraine đều nên bị bác bỏ.
* Ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố Vacsava hy vọng Trung Quốc sẽ gây sức ép đối với Nga để Moscow chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan và Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Li Hui.
Trước đó, ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Đặc phái viên Li Hui đã nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong chuyến thăm Kiev ngày 16-17/5.
Thông báo có đoạn: “Ông Li Hui đã nêu lập trường của phía Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Được biết, Đặc phái viên Trung Quốc đã có các cuộc gặp riêng Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak và Ngoại trưởng Dmitry Kuleba của nước chủ nhà.