Mỹ ra tối hậu thư cho TikTok

Ngày 24/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký duyệt gói viện trợ nước ngoài, trong đó có dự luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng một năm.

Như vậy, ByteDance có thời hạn ít nhất 9 tháng để thực hiện giao dịch, dù tổng thống có thể kéo dài thêm ba tháng nếu thấy tiến triển.

Trước đó, ngày 23/4, Thượng viện Mỹ hoàn tất bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải thoái vốn hoàn toàn khỏi ứng dụng chia sẻ video, hoặc TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

prjbcttn 36.png
TikTok đối mặt sóng gió tại Mỹ. Ảnh: The Verge

Theo báo cáo tiết lộ vận động hành lang của Thượng viện Mỹ, các chuyên gia vận động hành lang của ByteDance đã bỏ ra số tiền kỷ lục 2,68 triệu USD hướng đến các quan chức liên bang và Quốc hội trong ba tháng đầu năm 2024. Còn theo dữ liệu từ AdImpact, TikTok chi hơn 4,5 triệu USD cho một chiến dịch quảng cáo truyền hình và kỹ thuật số phản đối dự luật cấm ứng dụng này.

Phát ngôn viên TikTok Alex Haurek cho biết công ty sẽ kiện lên tòa án. Điều này có thể kéo dài thời gian nếu tòa án trì hoãn việc thực thi trong khi chờ giải quyết. Ngoài ra, việc Trung Quốc phản ứng thế nào và có cho phép ByteDance bán TikTok hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Cuối ngày 25/4, trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Toutiao, công ty mẹ TikTok khẳng định không có kế hoạch bán ứng dụng này, đáp trả thông tin The Information nói rằng ByteDance đang cân nhắc bán TikTok tại Mỹ không kèm thuật toán đề xuất video.

Theo tờ The Washington Post, các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Meta, Google và ở mức độ thấp hơn là Snap và Amazon, đang phải vật lộn để cạnh tranh với TikTok. Cuộc trấn áp công nghệ đầu tiên của Quốc hội Mỹ trong nhiều năm với TikTok được coi là ‘món quà’ dành cho các công ty công nghệ Mỹ.

Mỹ muốn đồng minh siết xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Theo Financial Times, Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh ở châu Âu và châu Á thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ và công cụ liên quan đến chip sang Trung Quốc do lo ngại Huawei phát triển chất bán dẫn tiên tiến.

Nguồn tin của tờ báo tiết lộ, Washington muốn Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại mạnh mẽ hơn, bao gồm ngăn chặn các kỹ sư từ nước mình bảo dưỡng các công cụ sản xuất chip tại các nhà máy bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc.

Washington cũng muốn các đồng minh gây khó khăn hơn cho các công ty từ các nước thứ ba trong việc cung ứng cho Trung Quốc hàng hóa chứa công nghệ được sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Hà Lan.

Theo Kevin Wolf, một chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại công ty luật Akin Gump, để các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn và tạo sân chơi bình đẳng cho Mỹ, các đồng minh cần cấm các công ty trong nước cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Financial Times nhận định Mỹ ngày càng lo ngại về tốc độ phát triển chip tiên tiến của các tập đoàn Trung Quốc bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Mỹ.

TSMC sắp sản xuất siêu chip tiên tiến

Tại Hội nghị chuyên đề công nghệ Bắc Mỹ ở California vào ngày 24/4, TSMC công bố loạt quy trình sản xuất, đóng gói mới dành cho các mẫu chip trong tương lai, công nghệ A16 được hãng khẳng định sẽ phục vụ cho thế hệ AI sáng tạo tiếp theo.

Chip được sản xuất trên công nghệ mới sẽ phục vụ cho các hệ thống tính toán hiệu năng cao, với khả năng cải thiện tốc độ hơn 8-10% so với quy trình N2P hiện nay, đồng thời giảm 15-20% tiêu thụ năng lượng.

a33dqxngsnk2fijmf34w4q2aoa.jpg
TSMC dự định sản xuất chip 1,6 nm từ năm 2026.

Công nghệ A16 dự kiến được đưa vào quy trình sản xuất chip 1,6 nm của TSMC từ năm 2026.

Trước đó, Intel cũng đưa ra kế hoạch bổ sung các tiến trình mới như Intel 3, 18A và 14A, trong đó tiên tiến nhất là 1,4 nm, với mục tiêu vượt qua TSMC. Theo Nikkei Asia, chỉ TSMC, Intel và Samsung là những công ty có thể tiếp tục dồn tiền đầu tư để sản xuất bóng bán dẫn tiên tiến và thúc đẩy việc sản xuất chip lên tầm cao mới.

Meta mất 200 tỷ USD vốn hóa

Meta vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu tăng 27% lên 36,46 tỷ USD, thu nhập ròng tăng hơn gấp đôi lên 12,37 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong suốt sự kiện báo cáo kết quả kinh doanh của Meta thông qua hình thức trực tuyến, Mark Zuckerberg miệt mài nói về AI, metaverse, kính thực tế ảo và hệ điều hành của riêng công ty…

Theo CNBC, các nhà đầu tư không quan tâm tới những điều đó. Cổ phiếu Meta giảm tới 19% trong phiên giao dịch ngày 24/4, thổi bay 200 tỷ USD vốn hóa thị trường, ngay cả khi Meta báo cáo doanh thu và lợi nhuận tốt hơn mong đợi trong quý đầu tiên.

Năm 2023, cổ phiếu Facebook tăng gần gấp ba và dù giảm 19% trong ngày 24/4, tính riêng năm 2024, nó cũng đã tăng giá 40%, lập đỉnh 527,34 USD vào đầu tháng. Sau năm 2022 “bầm dập”, khi công ty mất 2/3 giá trị, Zuckerberg dường như đã lấy lại được niềm tin của phố Wall.

CEO Meta trấn an các nhà đầu tư, nếu họ sẵn sàng “lên thuyền” và gắn bó dài lâu, họ sẽ được đền đáp xứng đáng.

ByteDance tuyên bố ‘thà đóng cửa’ còn hơn bán TikTokByteDance, công ty mẹ sở hữu TikTok cho biết hãng sẽ dừng hoạt động tại Mỹ trong trường hợp các giải pháp pháp lý không thể ngăn chặn một lệnh cấm đối với nền tảng chia sẻ video ngắn tại nền kinh tế số một thế giới.