Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên đã nhóm họp hôm 6.6 theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine, sau khi dòng nước tràn qua đập Nova Kakhovka trên sông Dnipro, chiến tuyến tạm thời ngăn cách hai phe xung đột ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, theo Reuters.
Khi được hỏi liệu Washington có biết ai gây ra vụ vỡ đập hay không, Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood, nói với các phóng viên trước cuộc họp của hội đồng: “Chúng tôi không chắc chắn chút nào, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới”.
Dân thường Ukraine sơ tán sau vụ vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka
“Nhưng, ý tôi là, thôi nào… tại sao Ukraine lại làm điều này với lãnh thổ và người dân của chính họ, làm ngập lụt đất đai của họ, buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa – điều đó thật vô lý”, Reuters dẫn lời ông Wood.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trước đó cho biết cơ quan này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về việc con đập bị vỡ như thế nào, nhưng mô tả đây là “một hậu quả tàn khốc khác” của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia quy trách nhiệm cho Ukraine mà không cung cấp bằng chứng, cáo buộc Kyiv cố gắng tạo “cơ hội thuận lợi” để tập hợp lại các đơn vị quân đội nhằm tiếp tục phản công.
“Việc phá hoại có chủ ý do Kyiv thực hiện nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng là cực kỳ nguy hiểm và về cơ bản có thể được coi là tội ác chiến tranh hoặc hành động khủng bố”, ông Nebenzia nói với hội đồng.
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga có “hành động khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine” mà không cung cấp bằng chứng.
“Về mặt vật lý, không thể làm nổ tung con đập từ bên ngoài bằng cách nã pháo – Nga đã đặt mìn và cho nó nổ tung”, ông Kyslytsya nói.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 6.6 nói rằng nếu vụ vỡ đập được chứng minh là hành vi cố ý, đó sẽ là một “mức thấp mới” trong hoạt động của Nga ở Ukraine, theo phóng viên BBC Chris Mason. Ông Sunak cho biết các cơ quan quân sự và tình báo của Anh đang xem xét sự việc và còn quá sớm để xác định nguyên nhân cũng như đưa ra kết luận chắc chắn.
Trong khi đó, vụ vỡ đập đã làm ngập lụt ở nhiều nơi và người đứng đầu cơ quan viện trợ của LHQ đã cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng”. Hình ảnh vệ tinh ngày 6.6 do Maxar cung cấp cho thấy đập và nhà máy thủy điện Nova Kakhovka đã bị phá hủy phần lớn, chỉ còn lại một số ít công trình.
Hình ảnh, chụp một khu vực trải rộng 2.500 km vuông từ thành phố Nova Kakhovka đến vịnh Dniprovska phía tây nam thành phố Kherson, cũng cho thấy nhiều thị trấn và làng mạc bị ngập. Nhà cửa của người dân chìm trong biển nước, trong đó nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ lại mái nhà và nước tràn qua các công viên, đất đai và cơ sở hạ tầng.
Xem nhanh: Ngày 467 chiến dịch, Nga diệt xe tăng phương Tây; ai phá đập nước chiến lược?
Theo tường thuật của hãng tin TASS sáng 7.6, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại các khu vực mà Nga đang kiểm soát tại tỉnh Kherson. Dẫn thông tin từ các cơ quan ứng phó khẩn cấp, TASS cho biết khoảng 2.700 ngôi nhà đã bị ngập lụt sau vụ vỡ đập và gần 1.300 người đã được sơ tán. Các quan chức của chính quyền địa phương được Nga hậu thuẫn cho biết ít nhất 7 người đã mất tích.