Phân biệt chủng tộc hiện vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Mỹ mà còn tại nhiều nơi khác trên thế giới. Đây là một vấn đề phức tạp, đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các quốc gia để giải quyết. Phân biệt chủng tộc, theo đó, cũng là một trọng tâm trong các công ước nhân quyền của thế giới.
Trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu về nhân quyền, Mỹ đã ký kết Công ước Quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) vào năm 1966 và chính thức thông qua công ước này vào năm 1994.
CERD được thiết kế để bảo vệ các cá nhân và nhóm yếu thế khỏi vấn nạn phân biệt chủng tộc, dù sự phân biệt đối xử là cố ý hay là kết quả của các chính sách có vẻ trung lập. Khi tham gia công ước, Mỹ có nghĩa vụ phải thực hiện các điều khoản của công ước này, bao gồm thực hiện các đánh giá tuân thủ định kỳ do Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc tiến hành.
Ban hành nhiều đạo luật ở nhiều phương diện
Năm 2021, Mỹ đã công bố một bản báo cáo định kỳ về các nỗ lực chống phân biệt chủng tộc, gửi lên Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD). Báo cáo bao gồm các biện pháp mà Mỹ đã áp dụng để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong nước. Báo cáo này đánh giá các nỗ lực của Mỹ kể từ lần nộp báo cáo gần nhất vào 12/6/2013.
Ghi nhận đóng góp từ các cơ quan chính phủ liên bang, báo cáo năm 2021 đã làm nổi bật những hành động nhằm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Đầu tiên, về vấn đề thúc đẩy Cách tiếp của Toàn Chính phủ đối với Công bằng và Công bằng Chủng tộc, Tổng thống Biden đã ký Sắc lệnh Hành pháp 13985 chỉ đạo các cơ quan liên bang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy công bằng cho tất cả người dân, bao gồm cả người da màu và những nhóm người yếu thế khác. Động thái này được ông chỉ đạo Nhà Trắng thực hiện ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Đối tượng của nhóm là những người không được tiếp cận đầy đủ phúc lợi, “bị gạt ra” bên ngoài xã hội và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng dai dẳng. Sắc lệnh Hành pháp quy định việc thúc đẩy sự công bằng, dân quyền, sự hài hoà chủng tộc và cơ hội bình đẳng là trách nhiệm của toàn bộ Chính phủ Mỹ.
Thứ hai, vấn đề chăm sóc sức khỏe, Mỹ đã thông qua Sắc lệnh hành pháp 13995, Tổng thống Biden đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm Y tế Bình đẳng trong đại dịch COVID-19. Lực lượng này hỗ trợ đưa ra các khuyến nghị nhằm loại bỏ sự bất bình đẳng về vấn đề sức khỏe và xã hội, một nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong do COVID-19 cao hơn với một số nhóm người. Đồng thời, lực lượng cũng nhằm ngăn chặn những sự bất bình đẳng như vậy trong tương lai.
Lực lượng đặc nhiệm đã thành lập một tiểu ban về nguyên nhân bất bình đẳng y tế và bài ngoại. Ủy ban này sẽ đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo cách xử lý của Chính phủ Liên bang đối với đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi công bằng sau cuộc khủng hoảng và giảm thiểu tư tưởng bài ngoại và thành kiến chống người châu Á.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden cũng đã ký Bản ghi nhớ lên án và phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với nhóm người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ. Bản ghi nhớ thừa nhận rằng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các nhà lãnh đạo chính trị đôi khi là những người thúc đẩy thêm sự phân biệt và ác cảm của người bản địa với người Mỹ gốc Á, bao gồm việc chỉ trích COVID-19 bắt nguồn từ châu Á.
Những tuyên bố như vậy đã gây ra những nỗi sợ hãi vô căn cứ và sự kỳ thị đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương. Đồng thời góp phần làm tăng tỷ lệ các hành vi bắt nạt, quấy rối và hận thù với những người này. Bản ghi nhớ của Tổng thống yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang tham gia ngăn chặn hành vi quấy rối và chấm dứt tư tưởng kỳ thị với người Mỹ gốc Á.
Trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực giới tính và chủng tộc, kể từ năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai Chương trình tiếp các cộng đồng, cung cấp quyền truy cập trực tiếp, cho phép các cộng đồng chủng tộc tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm liên bang, gửi thông tin tiền án, tiền sử để những người từng gây bạo lực gia đình không được mua và sở hữu súng.
Về vấn đề nhập cư, Mỹ đã đưa ra cam kết thực hiện một hệ thống nhập cư công bằng và trật tự, chào đón người nhập cư, gắn kết các gia đình với nhau và cho phép những người nhập cư đóng góp giống như những người bản địa. Sắc lệnh Hành pháp 13993 của Tổng thống về Sửa đổi các Chính sách và Ưu tiên Thực thi Di trú Dân sự truyền đạt các giá trị cơ bản hiện tại và các ưu tiên cho việc thực thi luật nhập cư.
Vào tháng 5, Tổng thống Biden cũng đã ký thành luật Đạo luật tội phạm thù hận COVID-19, đạo luật lưỡng đảng sẽ đẩy nhanh và tăng cường phản ứng của chính phủ liên bang đối với tội phạm thù hận và các hành vi bạo lực có động cơ thiên vị. Ngoài ra, Văn phòng Dân quyền và Tự do Dân sự (CRCL) của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm về Bình đẳng để đảm bảo các nguyên tắc công bằng chủng tộc được thực hiện trong suốt các chính sách, chương trình và hoạt động.
Về Bình đẳng chủng tộc với Biến đổi khí hậu, Mỹ đưa ra cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giúp các cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương và cộng đồng da màu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã xây dựng bộ khung để đảm bảo khả năng phục hồi trước tác động của khí hậu với nhóm người yếu thế, bao gồm xác định các cộng đồng có nguy cơ cao và kết hợp luật pháp, công bằng, sự đa dạng trong kế hoạch thích ứng với khí hậu.
Các cơ quan, bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), có nhiệm vụ thu thập dữ liệu liên quan đến tác động sức khỏe do biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng da màu.
Về quyền bầu cử, Mỹ đã ban hành Sắc lệnh 14019 thúc đẩy quyền tiếp cận bầu cử, sử dụng các nguồn lực liên bang để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ đăng ký cử tri và thông tin về bầu cử, bao gồm cả những công dân đang bị liên bang giam giữ; thành lập một nhóm chỉ đạo liên ngành về quyền bầu cử của người Mỹ bản địa; và chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp hỗ trợ cấp lại có giấy tờ tùy thân cho các cá nhân từng bị giam giữ, để họ đủ điều kiện tham gia bầu cử.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của mĩnh, Tổng thống Biden đã chỉ đạo Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD) khắc phục các chính sách nhà ở liên bang mang tính phân biệt chủng tộc, vốn gây bất bình đẳng giàu nghèo trong nhiều thế hệ.
Về giáo dục, vào năm 2019, Đạo luật Bồi dưỡng nhân tài đại học bằng cách mở khóa tài nguyên cho giáo dục (FUTURE) đã được ban hành, cung cấp nguồn tài trợ lâu dài cho các trường Cao đẳng và Đại học dành cho người da đen (HBCU), Cao đẳng và Đại học Bộ lạc (TCU) và các tổ chức như các tổ chức hỗ trợ người gốc Tây Ban Nha, cũng như Các tổ chức người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa ở các đảo Thái Bình Dương, các tổ chức dân tộc thiểu số khác. Vào năm 2021, Bộ Giáo dục Mỹ (ED) đã giải quyết các khoản nợ khoảng 1,6 tỷ USD cho 45 cá nhân HBCU theo Chương trình Tài trợ Vốn của HBCU.
Hoa Vũ